Sau đó, vẫn còn rất nhiều thương vụ thâu tóm đình đám xảy ra mà ở đó người bán là phía Việt Nam, người mua là đối tác ngoại. Trong nhiều thập niên qua, nhắc đến M&A là người ta nghĩ đến con đường thâu tóm một chiều này.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, M&A không còn là con đường một chiều nữa. Với nội lực và sự mạnh dạn, nhiều đại gia Việt đã đi trên con đường ngược lại. Đó là rót hàng trăm tỷ đồng để thâu tóm công ty nước ngoài.
Mới đây nhất, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã công bố thông tin quan trọng với cổ đông. Vinamilk được chấp thuận phê duyệt tăng vốn đầu tư thêm 3 triệu USD vào Driftwiood. Như vậy, tổng số vốn đầu tư của Vinamilk tại đơn vị này tăng lên 10 triệu USD (khoảng 230 tỷ đồng) và tăng tỷ lệ sở hữu từ 70% lên 100%. Sau khi các thủ tục được hoàn thiện, Vinamilk sẽ là chủ duy nhất tại Driftwiood.
Trước đó, năm 2014, Vinamilk đã rót 7 triệu USD vào Driftwiood. Driftwood có trụ sở chính tại bang Califonia, Hoa Kỳ. Driftwood chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, sữa đậu nành, kem sữa…), nước hoa quả và đồ ăn nhẹ…
Các sản phẩm được phân phối tại thị trường California và có thể được xuất khẩu. Năm 2012, Driftwood đạt doanh thu khoảng 100 triệu USD nhưng hoạt động chưa có lãi.
Cách đây không lâu, Công ty cổ phần Hùng Vương cũng hé lộ kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp ngoại. Tại đại hội đồng cổ đông, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty đã trình cổ đông kế hoạch mua 51% công ty thủy sản Russia Fish. Russia Fish là công ty chuyên kinh doanh, phân phối, bán lẻ thủy sản ở Nga. Dự kiến “Vua thủy sản” sẽ chi 15 triệu USD (khoảng 345 tỷ đồng) để thâu tóm doanh nghiệp này.
Ông Dương cho biết, Russia Fish là công ty phân phối cá đứng đầu thị trường Nga với hơn 5% thị phần. Công ty có hệ thống kinh doanh lớn với 19 chi nhánh và 13 văn phòng đại diện giao dịch trên toàn nước Nga. Lợi nhuận sau thuế 2015 của công ty ước đạt 1,2 tỉ Ruble, tương ứng hơn 15 triệu USD.
Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan gây chấn động trong làng thức ăn chăn nuôi khi công bố mua lại 52% cổ phần công ty cổ phần Việt – Pháp chuyên sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và 70% và cổ phần Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) bằng việc mua lại 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim. Sam Kim sau đó đã đổi tên thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science.
Hiện tại, những thương vụ thâu tóm của Vinamilk và Hùng Vương mới đang ở điểm xuất phát, nên chưa đong đếm được hiệu quả. Nhưng những gì Masan đạt được đã cho thấy “con đường đi ngược” này đang mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Tập đoàn.
Masan là “ông lớn” ngành tiêu dùng. Vì vậy, những sản phẩm phổ biến như mì Omachi, mì Kokomi, nước mắm Chinsu, nước mắm Nam Ngư,... mang lại nguồn thu chính cho Masan. Nhưng đó chỉ là trước đây, còn hiện tại, tỷ lệ doanh thu các mặt hàng tiêu dùng đang sụt giảm trong tổng doanh thu của Masan.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2016 của Masan, trong kỳ, Masan đạt 8.769 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 144,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Masan Nutri-Science đóng góp 5.183 tỷ đồng, chiếm 59,1% tổng doanh thu.
Nhờ doanh thu tăng mạnh nên lợi nhuận quý 1/2016 của Masan có nhiều bước tiến vượt bậc. Trong kỳ, chỉ tiêu này đạt 393 tỷ đồng, tăng 336 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, việc thâu tóm Anco và Proconco đã mang lại lợi ích to lớn cho Masan. Vì vậy, cổ đông Vinamilk và Hùng có nhiều cơ sở để tự tin vào quyết định thâu tóm doanh nghiệp ngoại của công ty.