Đến lúc phải để doanh nghiệp nhà nước thực sự là doanh nghiệp

Đến lúc phải để doanh nghiệp nhà nước thực sự là doanh nghiệp

Bị áp đặt quá nhiều chức năng, vai trò khiến doanh nghiệp nhà nước khó có thể làm tốt nhiệm vụ chính là kinh doanh. Giới chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải để doanh nghiệp nhà nước thực sự là doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhà nước yếu hay mạnh?

Bức tranh về doanh nghiệp nhà nước vừa được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẽ lại với khá nhiều gam màu tươi sáng. Khu vực doanh nghiệp này đang chiếm giữ vai trò chi phối, thống lĩnh trong khá nhiều ngành, lĩnh vực.

Trong ngành viễn thông, bộ ba Viettel, VNPT, MobiFone đang chiếm thị phần chính, với tỷ lệ tương ứng là 51,5%, 28,4% và 12,7%. Viettel cũng chiếm tới 60% doanh thu ngành viễn thông năm 2018, với 234.000 tỷ đồng.

Trong ngành ngân hàng, đến năm 2018, các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 44% tài sản, 25% vốn điều lệ, 48% thị phần huy động vốn, 50% thị phần cho vay của toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng.

Trong thị trường phát điện, các nhà máy điện thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước như EVN, PVN, TKV chiếm khoảng 87% cơ cấu nguồn đặt. Còn ngành khai khoáng, doanh nghiệp nhà nước sản xuất 97% lượng than sạch, trực tiếp khai thác hoặc là đối tác liên doanh sản xuất 100% dầu thô khai thác trên lãnh thổ...

“Có thể nói, khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày càng có hiệu quả hơn khi hiệu quả đầu tư vốn nhà nước từng bước được cải thiện. Tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước thua lỗ có xu hướng giảm, năm 2017 còn khoảng 15,4% doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thua lỗ so với tỷ lệ 17,2% trung bình giai đoạn 2011-2015...”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) nhận định trên cơ sở nghiên cứu.

Song các con số trên lại không đủ thuyết phục chính các chuyên gia này về sức mạnh hiện tại của khu vực đang đóng góp gần 30% cho tăng trưởng GDP, nhất là khi đặt doanh nghiệp nhà nước vào bức tranh chung của nền kinh tế, bên cạnh các doanh nghiệp khác.

“Hiệu quả đầu tư vốn nhà nước có xu hướng tăng, nhưng vẫn còn thấp hơn so với hiệu quả đầu tư vốn của thành phần kinh tế khác. Khi phân tích tỷ suất lợi nhuận và hiệu suất sử dụng lao động của khu vực này, dù cao hơn mức bình quân, nhưng không phản ánh đúng và đầy đủ hiệu quả của phần lớn doanh nghiệp nhà nước vì tổng lợi nhuận của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp nhà nước lớn hoạt động trong các ngành có mức độ cạnh tranh thấp, như khai khoáng, viễn thông, năng lượng...”, ông Trung nói.

Soi vào các ngành cạnh tranh cao, như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo, thì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thấp hơn doanh nghiệp khác.

Nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo các yêu cầu an toàn tài chính, nợ cao, có nguy cơ đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả. Bình quân doanh nghiệp nhà nước có nợ phải trả cao hơn mức trung bình doanh nghiệp Việt Nam...

“Áp lực cạnh tranh đã bộc lộ hạn chế về kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước”, ông Trung nhận định.

Những chiếc áo quá nặng

Vấn đề của doanh nghiệp nhà nước không phải thuộc về chính các doanh nghiệp. Đây là điều mà ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng CIEM lo ngại.

“Doanh nghiệp chỉ cạnh tranh được khi được tự chủ, tự do kinh doanh trong phạm vi mục đích, ngành nghề mà chủ sở hữu giao cho. Nhưng cho tới thời điểm này, doanh nghiệp nhà nước đang không có được quyền đó một cách đầy đủ”, ông Cung nói.

Nhìn vào thủ tục đầu tư một dự án xây dựng “tự vay, tự trả” của doanh nghiệp nhà nước với 6 bước và 9 cơ quan phê duyệt, doanh nghiệp tư nhân có lẽ sẽ không mong muốn được “ưu ái” như vậy.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, dự án thuộc cấp UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, doanh nghiệp sẽ phải qua bước trình cơ quan chủ sở hữu xem xét, phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét hồ sơ, cơ quan liên quan có ý kiến thẩm định, UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan chủ sở hữu xem xét phê duyệt hồ sơ, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, các cơ quan liên quan có ý kiến, cơ quan chủ sở hữu xem xét, phê duyệt dự án và cuối cùng mới đến bước hội đồng thành viên quyết định dự án đầu tư.

Nhưng sức ép mà doanh nghiệp nhà nước phải gánh lớn nhất hiện tại là các nhiệm vụ, vai trò vốn không thuộc về bản chất doanh nghiệp.

“Chúng tôi đang đặt vấn đề, có nên giữ vai trò “làm tấm gương của các thành phần kinh tế về năng suất, hiệu quả“; vai trò "giữ vị trí chi phối của nền kinh tế“ cho doanh nghiệp nhà nước hay không. Khi hỗ trợ chúng tôi thực hiện nghiên cứu này, Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (AUS4REFORM) cũng đặt đề bài, phải có khuyến nghị cho sự phát triển tới của doanh nghiệp nhà nước.

Có lẽ, đã đến lúc, doanh nghiệp nhà nước trước hết phải là doanh nghiệp, để thực sự đặt hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh lên hàng đầu. Khi đó, doanh nghiệp nhà nước mới cải thiện được thực chất hiệu quả”, ông Cung nói.

Nội dung này không phải mới được bàn tới, song những lấn cấn trong việc có coi doanh nghiệp nhà nước là công cụ điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và điều tiết thị trường hay không vẫn còn. Điều đáng nói là, trong giai đoạn vừa qua, những quy định mới liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội do Nhà nước đặt hàng, giao cho mọi thành phần kinh tế theo nguyên tắc thị trường đã được ban hành.

Cùng với đó, quan điểm sử dụng công cụ chính sách tài khóa, chính sách an sinh xã hội và các nguồn lực của quản lý hành chính nhà nước sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều so với sử dụng công cụ là doanh nghiệp nhà nước đã được thực tiễn chứng mình.

Chính sự lấn cấn này đang làm khó các doanh nghiệp và cả các kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước gần 10 năm qua. “Nếu không thay đổi, doanh nghiệp nhà nước sẽ lại èo uột, thiếu sinh khí trên một đống tài sản lớn”, ông Cung khuyến nghị.

Sửa tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước

Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.

Mục tiêu sửa đổi là tách bạch những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế hoặc lĩnh vực công ích Nhà nước cần nắm quyền chi phối với những lĩnh vực nên huy động vốn đầu tư từ xã hội; xác định tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ở mức hợp lý, nhằm thu hút nhà đầu tư bên ngoài và thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp một cách thực chất.

Chính phủ cũng yêu cầu tách bạch giữa hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, an sinh xã hội với hoạt động sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan