Đến hết năm 2020, tổng nguồn vốn nhàn rỗi của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam gần 67.700 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến ngày 31/12/2020, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã đầu tư là 67.688,3 tỷ đồng (tăng 19,3% so với thời điểm 31/12/2019). Doanh thu hoạt động đầu tư vốn năm 2020 đối với các khoản đầu tư đạt 102,5% kế hoạch được NHNN giao.
Đến hết năm 2020, tổng nguồn vốn nhàn rỗi của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam gần 67.700 tỷ đồng

Thông tin từ Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cho biết, trong năm 2020, hoạt động cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia Bảo hiểm Tiền gửi được Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam triển khai thống nhất từ trụ sở chính tới các chi nhánh Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam.

Cụ thể, hoàn thành cấp mới 1 Chứng nhận tham gia Bảo hiểm Tiền gửi (Ngân hàng Daegu Hàn Quốc), cấp lại 22 Chứng nhận tham gia Bảo hiểm Tiền gửi và cấp 333 bản sao Chứng nhận tham gia Bảo hiểm Tiền gửi theo đề nghị của các tổ chức tham gia Bảo hiểm Tiền gửi.

Thực hiện chấm dứt tham gia Bảo hiểm Tiền gửi và thu hồi 1 giấy Chứng nhận tham gia Bảo hiểm Tiền gửi đối với Quỹ tín dụng nhân dân Mỹ Chánh; xin ý kiến NHNN về việc tạm thu hồi 1 Chứng nhận tham gia Bảo hiểm Tiền gửi đối với Quỹ tín dụng nhân dân Quang Hưng - Hưng Yên.

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng số tổ chức tham gia Bảo hiểm Tiền gửi là 1.282 đơn vị, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng Hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Hiện tại, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc cấp lại 1.282 Chứng nhận tham gia Bảo hiểm Tiền gửi và hơn 13.000 bản sao Chứng nhận tham gia Bảo hiểm Tiền gửi sau khi có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức Bảo hiểm Tiền gửi mới. Nhìn chung, hoạt động cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia Bảo hiểm Tiền gửi đã được Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam thực hiện kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của các TCTD.

Trong năm 2020, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã thực hiện miễn nộp phí Bảo hiểm Tiền gửi theo quy định cho 32 tổ chức tham gia Bảo hiểm Tiền gửi được kiểm soát đặc biệt với số tiền là 192,9 tỷ đồng (bao gồm 4 ngân hàng, 28 Quỹ tín dụng nhân dân).

Từ khi thành lập đến nay, phí Bảo hiểm Tiền gửi là nguồn thu lớn và quan trọng nhất của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam. Tính đến ngày 31/12/2020, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về kế hoạch thu phí Bảo hiểm Tiền gửi năm 2020.

Cụ thể, số phí Bảo hiểm Tiền gửi thu được là 8.322 tỷ đồng, đạt 108,7% kế hoạch thu phí được NHNN giao, tăng 13% so với số phí Bảo hiểm Tiền gửi thu được năm 2019, góp phần lớn trong việc nâng cao năng lực tài chính, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã thực hiện chi trả 26,7 tỷ đồng cho 39 Quỹ tín dụng nhân dân. Trong năm 2020, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã thực hiện thu hồi hết số tiền bảo hiểm đã chi trả tại Quỹ tín dụng nhân dân Tân Hòa là 10 triệu đồng. Theo đó, số tiền bảo hiểm đã chi trả còn phải thu đối với 6 Quỹ tín dụng nhân dân đã giải thể bắt buộc là 5,66 tỷ đồng.

Trên cơ sở Kế hoạch kinh doanh năm 2020 được NHNN phê duyệt, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đầu tư thận trọng, linh hoạt trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp để sinh lời và tăng quy mô quỹ Bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu an toàn và phát triển vốn.

Đối với nhiệm vụ trong năm 2021, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã lên kế hoạch, trong đó, triển khai đầy đủ, kịp thời các nghiệp vụ Bảo hiểm Tiền gửi bao gồm:

Thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin từ NHNN và từ tổ chức tham gia Bảo hiểm Tiền gửi, giám sát 100% tổ chức tham gia Bảo hiểm Tiền gửi. Kiểm tra tổ chức tham gia Bảo hiểm Tiền gửi theo Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2021 và kiểm tra đối với các Quỹ tín dụng Nhân dân theo chỉ đạo của NHNN...;

Thực hiện cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia Bảo hiểm Tiền gửi theo đề nghị của tổ chức tham gia Bảo hiểm Tiền gửi. Thực hiện cấp lại và cấp bản sao Chứng nhận tham gia Bảo hiểm Tiền gửi sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về hạn mức Bảo hiểm Tiền gửi mới;

Tích cực tham gia quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém theo chỉ đạo của NHNN. Phối hợp chặt chẽ với NHNN trước, trong và sau quá trình kiểm soát đặc biệt nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các TCTD...;

Tính và thu phí Bảo hiểm Tiền gửi theo đúng quy định. Đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi theo đúng quy định, an toàn và hiệu quả. Trong đó, tập trung đầu tư linh hoạt trái phiếu Chính phủ trên hai thị trường sơ cấp và thứ cấp để đảm bảo thực hiện kế hoạch kinh doanh NHNN giao.

Ngoài ra, Xây dựng phương án chi trả, kế hoạch dự phòng chi trả. Thực hiện chi trả chính xác, kịp thời cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo quy định pháp luật...

Tin bài liên quan