Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, phát triển BHYT toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện chia sẻ gánh nặng tài chính trong cộng đồng là định hướng quan trọng của tài chính y tế Việt Nam trong thời gian tới.
Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 85,6% dân số. Tỷ lệ đóng góp từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế tăng qua các năm, BHYT đã góp phần quan trọng trong tổng nguồn tài chính cho y tế, đồng thời giúp người dân tiếp cận các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế thuận lợi hơn.
Việt Nam cũng được coi là một quốc gia có những chính sách tài chính y tế công bằng nhằm hỗ trợ người nghèo và các nhóm dễ tổn thương như trẻ em, người gia, người dân tộc thiểu số,…
Để thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, năm 2016, Chính phủ đã điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ BHYT đến năm 2020 từ 80% lên đến 90% với mục tiêu nâng cao chất lượng KCB BHYT, đổi mới cơ chế tài chính theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế, giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020.
Tuy nhiên, việc phát triển BHYT ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn chỉ rõ: Hiện nay một số quy định trong các văn bản pháp luật về BHYT còn chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Năng lực của hệ thống tham mưu quản lý nhà nước về BHYT còn hạn chế; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nêu rõ, thời gian qua, Việt Nam đã và đang có một số dự án có hợp phần hỗ trợ một số vấn đề liên quan đến BHYT nhưng chỉ tập trung vào một số nội dung như hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng, nghiên cứu thử nghiệm các phương thức chi trả, xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản.
Tuy nhiên, chưa có một dự án nào hỗ trợ riêng về lĩnh vực BHYT, đặc biệt các vấn đề như hỗ trợ phát triển chính sách, đào tạo tập huấn cho cán bộ về BHYT và xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe của một nhóm dân số thông qua cơ chế BHYT.
Dự án Hỗ trợ tăng cường thể chế và chính sách BHYT tại Việt Nam sẽ đặt ra các giải pháp, giúp Việt Nam khắc phục được những hạn chế này trong thời gian tới.
Dự án được thực hiện với sự tài trợ của ADB qua khoản tài trợ không hoàn lại trị giá 1,8 triệu USD. Các hoạt động cụ thể của Dự án sẽ được thực hiện từ tháng 4/2018- 6/2019, với 3 hợp phần nội dung:
Hỗ trợ cung cấp bằng chứng xây dựng phát triển chính sách BHYT thông qua nghiên cứu, đánh giá, xây dựng văn bản chính sách BHYT; Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm mô hình chăm sóc sức khỏe và KCB BHYT cho người cao tuổi; Tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ y tế và các bên liên quan về BHYT.
Dự án sẽ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm chăm sóc sức khỏe dài hạn người cao tuổi tại ba tỉnh nhằm khuyến nghị về thể chế, chính sách BHYT cho mô hình này, tiến tới nhân rộng mô hình tại Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo.
Báo cáo tại Hội thảo cũng chỉ rõ, Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số với 70% người cao tuổi bị bệnh mãn tính; 80% người cao tuổi bị cao huyết áp.
Tuổi thọ dân số trung bình của Việt Nam là 75,6 tuổi, đứng thứ hai trong khu vực nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp hơn các nước trong khu vực.
Về các yếu tố kinh tế - xã hội thì nữ chiếm đa số; tỷ lệ người cao tuổi sống với con cái cao nhưng có xu hướng giảm dần từ 80% vào năm 1993 xuống còn 57% vào năm 2010; tỷ lệ gia đình chỉ có vợ chồng cao tuổi tăng nhanh chóng; đặc biệt, tỷ lệ người cao tuổi sống một mình có xu hướng gia tăng.
Trong khi đó, chất lượng chăm sóc y tế tại tuyến cơ sở thấp, chỉ 8,8% người cao tuổi sử dụng y tế tuyến xã. Cơ sở chăm sóc người già trên toàn quốc cũng rất nghèo nàn và chỉ chăm sóc y tế với chi phí khá đắt đỏ. 80% người cao tuổi được chăm sóc tại nhà và cộng đồng nhưng người chăm sóc hầu như chưa có kiến thức chăm sóc người cao tuổi.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, với sự chuyển dịch của cơ cấu dân số theo hướng già hóa, thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng bệnh không lây nhiễm và sự đòi ngày càng cao hơn của người dân về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, việc xây dựng các gói quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho các nhóm đối tượng khác nhau đặc biệt cho người cao tuổi là rất cần thiết./.