Để đáp ứng nhu cầu, các nhà băng phải hối hả huy động tiền, trong khi ở vai trò cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạm thời phải bơm tiền vào hệ thống.
Theo đó, để đẩy mạnh việc huy động, không chỉ các nhà băng nhỏ mà ngay cả ngân hàng lớn có vốn nhà nước cũng mạnh tay tung ra các chương trình khuyến mãi “khủng”. Đầu tuần này (16/1), VietinBank triển khai Chương trình “Vui xuân sang - nhận lộc vàng” cho khách hàng gửi tiết kiệm, khách hàng mua bảo hiểm phi nhân thọ tại Ngân hàng với tổng giải thưởng của chương trình lên đến gần 8 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường vẫn được duy trì ổn định. Việc các tổ chức tín dụng phải “thủ” thanh khoản cho mình là chuyện bình thường".
Hay SHB triển khai chương trình khuyến mại kéo dài đến hết tháng 3/2017 với tổng giá trị giải thưởng lên tới hơn 7,2 tỷ đồng. Techcombank cũng bắt đầu triển khai chương trình ưu đãi tiền gửi mùa Tết lớn nhất trong năm với tổng giá trị quà tặng lên tới hơn 25 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thị trường ghi nhận một loạt các ngân hàng công bố điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND thêm từ 0,1 - 0,3%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, Sacombank tăng lãi suất kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng với mức tăng từ 0,1-0,2%/năm. Sau khi điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,9%/năm lên 5%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng lãi suất tăng từ 5,9%/năm lên 6%/năm.
Sau khi điều chỉnh lãi suất, kỳ hạn 1 tháng ở DongABank tại mức 5%/năm, 6 tháng 5,5%/năm, 12 tháng 6,6%/năm. Trước đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần như: Eximbank, TPBank cũng tăng thêm lãi suất từ 0,1 - 0,3%/năm ở một số kỳ hạn.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, giám đốc tiền tệ một ngân hàng cho biết, thực tế thanh khoản tại các ngân hàng “căng” theo chu kỳ khi Tết đang đến gần. NHNN đã, đang bơm mạnh tiền qua thị trường mở (OMO) và được các tổ chức tín dụng hấp thụ khối lượng khá lớn so với nhiều tuần trước.
Khối lượng trúng thầu 21.148 tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 5%/năm đã được bơm qua OMO trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước (13/1), nâng lượng vốn bơm ròng qua kênh OMO tính đến sáng ngày đầu tuần (16/1) lên mức khá cao, trên 55.000 tỷ đồng.
Lịch sử thanh khoản của hệ thống những tháng cuối năm 2016 cho thấy, thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và có dư thừa, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho nền kinh tế.
“Khối lượng trúng thầu trên cao gấp 2 - 4 lần so với khối lượng trúng thầu của các phiên giao dịch trên OMO trong nhiều tuần trước đây. Đó là chưa tính riêng ngày 16/1, NHNN đã bơm qua OMO gần 25.000 tỷ đồng. Do vậy, lãi suất liên ngân hàng trên thị trường tiền tệ sáng ngày 16/1 mở cửa với mức tăng khá cao, vượt mức 5% ở tất cả các kỳ hạn từ giao dịch qua đêm tới 2 tuần”, vị giám đốc trên cho biết.
Tuy nhiên, khẳng định với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết: “Thanh khoản thị trường vẫn được duy trì ổn định. Những động thái trên chỉ đơn thuần là các nhà băng chuẩn bị cho việc tất toán của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, thường diễn ra dồn dập nhất trong hai tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết âm lịch. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải “thủ” thanh khoản cho mình là chuyện bình thường”.
Thực tế, lịch sử thanh khoản của hệ thống những tháng cuối năm 2016 cho thấy, thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và có dư thừa, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho nền kinh tế.
Một trong những minh chứng là lãi suất liên ngân hàng giảm, hỗ trợ ổn định lãi suất trên thị trường 1 và tạo điều kiện cho phát hành thành công 281.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất giảm khoảng 0,45%-1,15%/năm và kỳ hạn dài đến 30 năm.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm thì từ tháng 4 đã ổn định, đặc biệt giữa tháng 4 và từ cuối tháng 9/2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm khoảng 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay hiện phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Bà Lê Như Hoa, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết: “Là ngân hàng thương mại lớn, bội thu tiền mặt, VietinBank luôn sẵn sàng, chủ động đầy đủ tiền mặt cung ứng ra thị trường trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán. Ban Lãnh đạo VietinBank đã có văn bản chỉ đạo công tác tiền mặt, kho quỹ trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán. Trong đó, VietinBank yêu cầu các chi nhánh, Trung tâm Quản lý tiền mặt tăng cường điều hòa tiền mặt, tăng lượng tồn quỹ tiền mặt cuối ngày toàn hệ thống để đáp ứng nhu cầu giao dịch tăng cao, giảm tải việc nộp/lĩnh tiền mặt tại NHNN”.