Giai đoạn 1991 - 2003 đánh dấu sự xuất hiện của công nghiệp ô tô Việt Nam qua việc 15 công ty liên doanh nước ngoài được cấp phép đầu tư.
Có thể nói, chính sách ưu đãi và nhân công rẻ là những điểm thu hút sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng. Ngoài doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn có hai công ty tư nhân trong nước là Trường Hải và Xuân Kiên tham gia lĩnh vực đầy hấp dẫn này trong những năm 2000-2002.
Vào năm 2004, Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 với kỳ vọng tạo sự chuyển biến tích cực cho ngành công nghiệp này. Trong giai đoạn 2004 - 2010, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển khá nhanh, sản lượng tăng từ 40.000 xe/năm lên 120.000 xe/năm, đáp ứng một phần nhu cầu trong nước về xe con, xe tải và xe khách.
Sau hơn 10 năm ưu tiên phát triển, ngành công nghiệp ô tô tuy đã đáp ứng được một phần nhu cầu, nhưng công suất các nhà máy vẫn chỉ đạt khoảng 25%. Hầu hết chỉ tiêu về nội địa hoá các dòng xe, về sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động... chưa thực hiện được.
Điều đáng nói là doanh số xe các loại bán ra ngày càng giảm, trong đó năm 2013 chỉ đạt dưới 100.000 xe. Nguyên nhân được các chuyên gia và doanh nghiệp nhìn nhận là không phải do bối cảnh suy thoái kinh tế chung, bởi lượng xe tiêu thụ tại nhiều nước trong khu vực tăng trưởng đáng kể (như Thái Lan đạt 2,5 triệu xe, Indonesia đạt 1,2 triệu xe...), trong khi duy nhất Việt Nam là suy giảm tiêu thụ.
Thị trường Việt Nam cũng được đánh giá là không nhỏ khi có 90 triệu dân, với 67% trong độ tuổi lao động và mới chỉ đạt 10 xe (xe con)/1.000 dân trong tương quan với 80-144 xe/1.000 dân ở các nước ASEAN đã đi vào giai đoạn ô tô hoá (nhiều hơn 50 xe/1.000 dân). Đó là chưa kể nhu cầu giao thông đường bộ có tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm, vận chuyển hành khách khoảng 91,4%, vận chuyển hàng hoá tăng 70,6% so với các loại hình vận tải khác.
Theo quy hoạch, năm 2020, lĩnh vực giao thông-vận tải đường bộ cần 500.000 xe khách các loại để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân (cao gấp 5 lần hiện nay); xe ô tô cá nhân sẽ ngày càng thông dụng để thay thế dần cho trên 40 triệu xe gắn máy đang lưu hành.
Về chủ trương phát triển công nghiệp ô tô, tháng 7/2013, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó khẳng định công nghiệp ô tô là 1 trong 6 ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế.
Trải qua 10 năm quy hoạch công nghiệp ô tô, vị trí của ngành công nghiệp ô tô luôn được đề cao, như năm 2004 được coi ngành công nghiệp quan trọng, năm 2007 là công nghiệp mũi nhọn và hiện tại là công nghiệp chủ lực.
Thực tế Việt Nam có thị trường lớn, có chủ trương đúng để phát triển, nhưng tại sao ngành công nghiệp ô tô lại vẫn ì ạch, không thực sự bứt phá sau nhiều năm qua, tiếp tục là câu hỏi lớn.
Ngoài nguyên nhân như yếu trong kích cầu thị trường, chính sách phát triển chưa khuyến khích được doanh nghiệp sản xuất ô tô, phải kể tới một nguyên nhân quan trọng khác là sức mua và quy mô thị trường tiêu thụ quá nhỏ (dưới 120.000 xe/năm) lại bị chia sẻ cho 56 doanh nghiệp với trên 100 kiểu xe (model) khác nhau. Trong khi đó, một doanh nghiệp công nghiệp sản xuất muốn hoạt động hiệu quả thì cần có sản lượng ít nhất là 100.000 linh kiện/năm. Đó còn do Việt Nam hiện chưa có nền công nghiệp hỗ trợ có thể đáp ứng nhu cầu tại chỗ các linh kiện cần thiết cho công nghiệp ô tô. Hiện tại, với gần 100 doanh nghiệp nhỏ tham gia công nghiệp hỗ trợ, tỷ lệ nội địa hoá trong ngành sản xuất ô tô mới đạt 15% (xe con), 25% (xe tải), 36% (xe khách). Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Anh, đến nay, ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam mới dừng lại ở gia công, lắp ráp nhãn hiệu nước ngoài.
Cuối cùng là vòng lẩn quẩn của thị trường nhỏ, manh mún - công nghiệp hỗ trợ khó phát triển - tỷ lệ nội địa hoá thấp - thuế và chi phí cao - hạ tầng giao thông yếu… Tất cả yếu tố này đang làm tăng giá xe và quay trở lại khiến thị trường ngày càng thu hẹp. Thực tế trên còn là rào cản lớn, cản trở sự phát triển của công nghiệp ô tô và mục tiêu đưa ngành này trở thành ngành công nghiệp quan trọng, mũi nhọn hay chủ lực.