Ảnh Internet
Quý I/2020, REE ghi nhận doanh thu 1.180,8 tỷ đồng, lợi nhuận 278,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,4% và giảm 24,9% so với quý I/2019.
Mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm, nguyên nhân do lợi nhuận tài chính kỳ này lỗ 61,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ 1,9 tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 117,3 tỷ đồng, giảm 29,8% so với cùng kỳ.
Giới đầu tư biết đến REE với cái gốc là ngành cơ điện lạnh, nhưng trước sự bão hoà của mảng này, REE liên tục thực hiện chiến lược mua bán và sáp nhập (M&A) với các lĩnh vực điện nước, cũng như chuyển dịch sang mảng bất động sản và cụ thể hơn là cho thuê văn phòng.
Chính vì vậy mặc dù mảng cơ điện lạnh đóng góp doanh thu cao, nhưng tỷ trọng lợi nhuận ngày một giảm, sự gia tăng lợi nhuận lại đến từ mảng điện, nước và cho thuê văn phòng.
Với danh sách lên tới 18 công ty liên doanh, liên kết chiếm 40,7% tổng tài sản của doanh nghiệp, kết quả kinh doanh của REE không còn đơn thuần là mảng cơ điện như trước, mà có sự đóng góp từ các lĩnh vực mới M&A, trong đó trọng tâm là sản xuất điện, nước và cho thuê văn phòng.
Thuyết minh báo cáo tài chính quý I/2020 của REE cho biết, mảng cơ điện lạnh lợi nhuận giảm 39,4%, mảng hạ tầng điện, nước giảm 41,5% và mảng bất động sản tăng 18,9% so với cùng kỳ.
Mảng hạ tầng điện, nước đã suy giảm lợi nhuận, nhưng theo Cơ quan Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2020, hạn hán có nguy cơ kéo dài. Câu hỏi đầu tiên cổ đông REE cần chất vấn là Công ty có kế hoạch ứng phó thế nào nếu tình trạng này xảy ra? Đâu là cơ hội và thách thức với REE khi Công ty đang có sở hữu lớn tại nhiều doanh nghiệp thủy điện và nhiệt điện? Các công ty nhiệt điện như Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Ninh Bình liệu có bù đắp được sản lượng khi mảng thuỷ điện thiếu hụt?
Câu hỏi tiếp theo là về mảng cho thuê văn phòng. Năm 2019, REE ghi nhận doanh thu 852 tỷ đồng, lợi nhuận 395 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 58%. Tỷ lệ lấp đầy bình quân là 98% và tỷ lệ lấp đầy dự án E.town 5 là 97%, REE đang xây dựng tiếp dự án E.town 6.
Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến hàng loạt văn phòng cho thuê bị ế khách, vậy REE đang ghi nhận sự suy giảm khách hàng thuê ra sao và có giải pháp gì vượt qua tình trạng suy giảm?
Bước ngoặt từ biến cố Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch gọi vốn bằng trái phiếu của REE? REE sẽ chọn chiến lược gì cho tương lai sắp tới: tích trữ tiền mặt để phòng thủ hay sẽ tiếp tục đẩy mạnh các thương mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất điện, nước…?
Thách thức là hiện hữu, nhưng khi xem xét chất lượng tài sản của REE có thể thấy, nhiều thương vụ M&A mà doanh nghiệp thực hiện có giá trị sổ sách thấp, trong khi giá trị thị trường cao hơn nhiều.
Từ đây, câu hỏi nên đặt ra là nếu như hoạt động kinh doanh khác giảm đột ngột, việc định giá lại các khoản đầu tư liệu có giúp REE không giảm mạnh hiệu quả kinh doanh?
REE được giới đầu tư biết đến như là cổ phiếu phòng thủ khi sở hữu các khoản đầu tư vào doanh nghiệp thuộc ngành nghề ổn định như sản xuất điện, cấp nước và cho thuê văn phòng, tạo dòng tiền đều hàng năm.
Năm 2019, REE đã trả cổ tức 16% và năm 2020, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Mai Thanh dự kiến trình cổ đông kế hoạch cổ tức duy trì tối thiểu mức này.
Với thị giá khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu, REE đang được giao dịch với chỉ số P/E 5,7 lần, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn TTCK Việt Nam (P/E 15 lần).
Nếu không có nhu cầu giao dịch, cổ tức của REE là khoản cổ đông có thể hài lòng, nhưng nếu có nhu cầu rút vốn, thị giá của REE có thể khiến cổ đông chịu thiệt.
Đây cũng là điểm cổ đông nên chất vấn và đề nghị Ban lãnh đạo cần có giải pháp phù hợp, để cổ phiếu được định giá sát với giá trị nội tại hơn trên thị trường.