Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)) cho biết, hiện cả nước có 147 nhà máy điện truyền thống có công suất đặt từ 30 MW trở lên. Đối với các nhà máy điện mặt trời, con số này cũng đang tăng nhanh.
Nếu thời điểm 23/4 mới có 4 nhà máy; đến ngày 17/5, có 27 nhà máy. Dự kiến, đến cuối tháng 6/2019, có khoảng 88 nhà máy điện mặt trời đóng điện vận hành thành công.
Đây là một kỷ lục trong suốt lịch sử ngành điện lực Việt Nam về số lượng các nhà máy điện mới đóng điện, hòa lưới lần đầu tập trung trong một khoảng thời gian ngắn (chỉ trong 3 tháng), góp phần đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, phục vụ kinh tếquốc dân.
Trong bối cảnh nguồn cung điện từ thủy điện phụ thuộc lớn vào thời tiết, lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn trung bình nhiều năm, để đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho nền kinh tế quốc dân, EVN đã, đang và sẽ tích cực hỗ trợ các dự án diện mặt trời đóng điện và đưa vào vận hành chính thức.
Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Phó giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia, nhờ cơ chế khuyến khích đầu tư của Chính phủ những năm qua đã thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực điện năng, giảm áp lực về việc thu xếp vốn xây dựng các công trình nguồn điện của Chính phủ, các tập đoàn Nhà nước, qua đó góp phần tăng cường an ninh cung ứng điện quốc gia.
Với đặc điểm khí hậu phù hợp, các dự án điện mặt trời điện gió chủ yếu tập trung tại khu vực miền Nam và Nam Trung Bộ là khu vực có tỷ trọng phụ tải chiếm khoảng 50% so với toàn quốc, vì vậy với việc đưa vào các dự án năng lượng tái tạo phần nào sẽ giảm bớt sự thiếu hụt về năng lượng tại miền Nam qua đó tăng cường an ninh cung ứng điện và giảm căng thẳng trong công tác vận hành hệ thống điện.
Những con số về lượng điện tiêu thụ trong những ngày nắng nóng vừa qua càng cho thấy, việc có thêm các dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành sẽ giảm tải đáng kể áp lực lên nguồn cung điện.
Cụ thể, trong ngày 17/5/2019, lượng điện tiêu thụ đã lập đỉnh mới, với 755 triệu kWh, phá kỷ lục, vượt qua mức đỉnh của năm 2018 là 725 triệu kWh vào ngày 3/7/2018. Còn thống kê của 4 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ đạt 74,35 tỷ kWh, tăng trưởng 11% so với năm 2018.
Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, dự kiến, tháng 5 và 6, phụ tải tiếp tục tăng trưởng cao theo chu kỳ hàng năm, ở mức 42.8 tỷ kWh, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Công suất cực đại dự kiến ở mức 37.000-39.000 MW, tăng 11%-14% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của Elnino, dự báo nước về các tháng 5 và 6 tiếp tục kém tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Việc tiêu thụ điện tăng quá cao dù chưa phải cao điểm nắng nóng đã khiến EVN gặp khó khăn trong vận hành hệ thống điện, nhất là trong mùa khô và các tháng còn lại của năm 2019, lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn trung bình nhiều năm, nhiều hồ ở khu vực miền Nam đã gần về mực nước chết.
Bên cạnh đó, nguồn khí sau nhiều năm khai thác cao đã suy giảm. Nguồn than trong nước hiện nay cũng không thể đảm bảo đủ cho sản xuất điện và đã phải nhập khẩu than càng tạo áp lực lớn cho EVN.
Để giải quyết nỗi lo về điện trong dịp hè, EVN sẽ phải huy động linh hoạt thuỷ điện theo lưu lượng nước về và nhu cầu phụ tải, đảm bảo khả dụng đến cuối mùa khô. Các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí khu vực miền Nam sẽ được huy động tối đa công suất. EVN cũng đã chủ động phối hợp với PVN, Vinacomin để triển khai những giải pháp đảm bảo nhiên liệu cho phát điện.
Bên cạnh đó, EVN giám sát liên tục đường dây truyền tải siêu cao áp để tăng cường truyền tải điện từ Bắc vào Nam. Đối với lưới điện hạ áp và phân phối, các Công ty điện lực cũng hoàn thành mọi công tác trên lưới từ trước tháng 3/2019, đảm bảo vận hành ổn định trong mùa nắng nóng.