Đến cuối tháng 4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,04%

Đến cuối tháng 4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,04%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đến ngày 27/4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022, tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước.

Cầu tín dụng giảm

Thông tin trên được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh vùng Đông Nam Bộ diễn ra chiều ngày 11/5 tại TP.HCM.

Theo đó, đến ngày 27/4/2023, trên toàn quốc huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) khá tốt (đạt 12,4 triệu tỷ đồng, bằng 101% tín dụng), thanh khoản hệ thống dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần tăng trưởng tín dụng.

Riêng tại khu vực Đông Nam Bộ, với mạng lưới gần 3.500 chi nhánh TCTD, phòng giao dịch, Quỹ tín dụng nhân dân, đến hết quý I/2023, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 1,24%; tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 2,61%).

Về cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế, NHNN cho hay, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 900 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,4%), ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng (chiếm 26%), ngành dịch vụ đạt khoảng 8,2 triệu tỷ (chiếm 66,6%).

Tại khu vực Đông Nam Bộ, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 135 nghìn tỷ đồng (chiếm 3,2% dư nợ tín dụng vùng), ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng (chiếm 26%), ngành dịch vụ đạt khoảng 2,96 triệu tỷ (chiếm 70,8%). Cơ cấu tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ của vùng khá tương đồng với cơ cấu tín dụng của toàn quốc.

Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú
Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú

Tín dụng ngành ngân hàng 4 tháng đầu năm tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 3 triệu tỷ đồng (chiếm gần 25% dư nợ nền kinh tế), doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng (chiếm 18%).

Trong đó, tại khu vực Đông Nam Bộ, tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 633 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 15% dư nợ khu vực), doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1,04 triệu tỷ đồng (chiếm 25% dư nợ khu vực).

Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cho hay, các giải pháp điều hành chính sách nêu trên đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp, xuất phát chủ yếu do các nguyên nhân sau.

Cầu tín dụng của nền kinh tế giảm: Thứ nhất, theo lãnh đạo NHNN, nền kinh tế nước ta có độ, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế, trong khi bối cảnh hiện nay kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát cao, nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Một số chỉ số kinh tế trong nước (như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, giải ngân FDI) giảm so với cùng kỳ, trong đó, các thị trường, đơn hàng, đơn giá xuất khẩu tiếp tục sụt giảm. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.

Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Thứ ba, đối với nhóm SMEs, việc tiếp cận tín dụng của nhóm này còn hạn chế là do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi, chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, tính liên kết với chuỗi sản xuất còn hạn chế.

Thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp còn thiếu minh bạch làm ảnh hưởng đến việc thẩm định của các TCTD để đánh giá thực chất tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua các cơ chế hỗ trợ của nhà nước (Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV...) còn chưa phát huy hiệu quả .

Với nhóm bất động sản, tín dụng các năm trước thường tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng; tuy nhiên hiện nay thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án), các sự kiện của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp vừa qua ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, người mua nhà, khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.

Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh, dẫn tới việc các TCTD phải cân nhắc trong quá trình thẩm định, xem xét quyết định cho vay đối với các doanh nghiệp này.

Nguyên nhân cuối cùng là sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm…).

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Với những nguyên nhân trên đã dẫn tới việc các TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống. Mặt khác, sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB và sự kiện đổ vỡ một số ngân hàng Mỹ và châu Âu đã khiến các TCTD cẩn trọng hơn trong việc quản trị hoạt động để đảm bảo an toàn thanh khoản, đáp ứng nhu cầu chi trả người dân nên việc cấp tín dụng được xem xét thận trọng hơn trong bối cảnh hiện nay.

Xu hướng lãi suất giảm dần

Mặc dù lãi suất thế giới vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhưng để thích ứng kịp thời với tình hình trong nước, NHNN đã 2 lần giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,3-1%/năm trong tháng 3 và 4/2023.

Cụ thể: Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm (Quyết định 574/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023).

Trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm (Quyết định 576/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023). Đồng thời, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhờ đó, mặt bằng lãi suất thị trường đã dần ổn định, nhiều NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay; hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 6,3%/năm, giảm khoảng 0,18% so với cuối năm 2022 (trong đó 29 NHTM giảm lãi suất tiền gửi), lãi suất cho vay phát sinh mới ở mức khoảng 9,3%/năm, giảm khoảng 0,65%/năm so với cuối năm 2022 (trong đó 26 NHTM giảm lãi suất cho vay).

Riêng tại khu vực Đông Nam Bộ, mặt bằng lãi suất chung trong quý I/2023 được duy trì ổn định và có xu hướng giảm so với cuối năm 2022; trong đó, nhiều chi nhánh NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Trong thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian tới NHNN cho hay, tiếp tục điều hành hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Về điều hành tín dụng theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, NHNN tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14-15% cả năm 2023, chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng nhưng không hạ chuẩn tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, nhất là vấn đề tiếp cận vốn tín dụng. Trên cơ sở nắm bắt các tồn tại, vướng mắc, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Ngoài ra, NHNN sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân; các chương trình tín dụng thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD chủ động xây dựng các chương trình, gói sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, tăng khả năng tiếp cận vốn...

Tin bài liên quan