Các lãnh đạo ngân hàng trung ương: Haruhiko Kuroda, Christine Lagarde, Jerome Powell và Andrew Bailey

Các lãnh đạo ngân hàng trung ương: Haruhiko Kuroda, Christine Lagarde, Jerome Powell và Andrew Bailey

Đèn cảnh báo kinh tế toàn cầu đang nhấp nháy màu đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker đã mô tả mối liên hệ của những thách thức mà EU phải đối mặt vào năm 2016 là “Polycrisis”. Và điều đó đang đúng với thời điểm ngày nay ở quy mô toàn cầu.

“Polycrisis” không chỉ đề cập tới nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra cùng một lúc, mà còn chỉ ra một tình huống mà tổng thể tương tác của những cuộc khủng hoảng xảy ra, nó tạo ra những tác hại lớn hơn tổng những tác hại mà các cuộc khủng hoảng sẽ tạo ra một cách cô lập.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhấn mạnh rằng, nhiều đám mây - bao gồm cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu, lãi suất tăng nhanh và sự suy thoái của Trung Quốc - đã tập hợp lại và ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu như thế nào. Điều tưởng chừng giống như những cuộc khủng hoảng riêng biệt xuất hiện từ nhiều khu vực và thị trường khác nhau hiện đang liên kết lại với nhau, do đó chúng ta có thể đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu.

Theo IMF, hiếm khi nhiều động cơ của nền kinh tế toàn cầu lại bị đình trệ cùng một lúc, thời điểm mà các quốc gia chiếm 1/3 sản lượng nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ thu hẹp trong năm nay hoặc năm sau. Báo cáo triển vọng của IMF đối với các nền kinh tế lớn nhất - Mỹ, khu vực đồng euro và Trung Quốc - là ảm đạm.

Khi tỷ lệ lạm phát toàn cầu chạm mức cao nhất trong 40 năm, các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong năm nay với sự đồng bộ chưa từng thấy trong 5 thập kỷ qua và đồng đô la Mỹ đã chạm mức mạnh nhất kể từ đầu những năm 2000. Những động lực này đang thúc đẩy các dự báo ảm đạm và tạo ra các dòng thách thức mới.

Các nền kinh tế mới nổi đã phải đối mặt với gánh nặng nợ bằng đồng đô la cao hơn và dòng vốn chảy ra. Trong khi đó, lãi suất thế chấp và chi phí vay của doanh nghiệp đã tăng mạnh trên toàn thế giới. Nhiều thước đo về căng thẳng thị trường tài chính cũng nhấp nháy màu đỏ cảnh báo vì lãi suất tăng nhanh từ mức thấp trong đại dịch đã bộc lộ các lỗ hổng. Động lực bán tháo là một rủi ro đang diễn ra cả trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu.

Nguyên nhân của những đại biến cố trên toàn cầu là từ sự xuất hiện bất ngờ của hai cú sốc lịch sử liên tiếp và nhanh chóng: Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980 để ngăn chặn lạm phát thúc đẩy một phần do hỗ trợ đại dịch và tắc nghẽn nguồn cung. Trong khi đó, việc các biện pháp đáp trả qua lại của phương Tây và Nga đã ảnh hưởng tới nguồn cung khí đốt tự nhiên và khiến châu Âu trải qua một cú sốc lớn về một cuộc khủng hoảng năng lượng; và nền kinh tế Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi chính sách Zero-Covid cùng với sự sụp đổ của thị trường bất động sản. Những căn bệnh mới đã xuất hiện trước khi những vết sẹo của đại dịch thậm chí còn chưa lành lại.

Các cú sốc đa dạng và tăng cường lẫn nhau đã khiến các nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn trong việc cân bằng. Đối với các chính phủ, các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp cần tránh đổ thêm dầu vào lửa đối với lạm phát và tăng gánh nặng nợ - vốn đã bị đẩy lên bởi đại dịch - đặc biệt là khi chi phí đi vay hiện đang tăng lên.

Lãi suất càng tăng, rủi ro sụp đổ thị trường nhà ở càng lớn và thị trường tài chính càng căng thẳng. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng trung ương, việc không thắt chặt chính sách tiền tệ ở mức đủ có thể khiến lạm phát tăng cao.

Dù không có giải pháp đơn giản nào có thể giải quyết những vấn đề trên, nhưng có một số bài học dựa vào quá khứ. Nền kinh tế mong manh ngày nay cần chính sách được hiệu chỉnh tốt và phù hợp với rủi ro. Trong đó, nước Anh là một ví dụ về việc không tuân theo các lý thuyết kinh tế truyền thống và đã dẫn tới hiện tượng bán tháo mạnh trên thị trường trái phiếu chính phủ nước này. Những sai sót trong chính sách là một phần lý do tại sao IMF dự báo rằng, một trong bốn kịch bản tăng trưởng toàn cầu trong năm tới có thể giảm xuống dưới mức thấp trong lịch sử là 2%.

Tác động lan truyền của các cuộc khủng hoảng toàn cầu làm tăng cường nhu cầu xây dựng khả năng phục hồi. Trong khi hệ thống ngân hàng được củng cố sau cuộc khủng hoảng tài chính, các nhà hoạch định chính sách đã làm quá ít để củng cố hệ thống tài chính phi ngân hàng. Nhiều người cũng sẽ than phiền về việc thiếu các khoản đầu tư nâng cao năng suất và giảm lạm phát vào các kỹ năng, công nghệ và các lựa chọn thay thế nhiên liệu hóa thạch trong thập kỷ qua khi lãi suất còn thấp.

Nếu không có sự lãnh đạo đúng đắn và tư duy dài hạn, nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tiếp tục chao đảo từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác.

Tin bài liên quan