Đền bù sai, ai phải bồi thường?

Đền bù sai, ai phải bồi thường?

(ĐTCK) Trong quá trình đền bù, tùy tình huống mà các bị cáo có thể phải bồi thường toàn bộ thiệt hại của vụ án, hoặc người nhận tiền phải hoàn trả lại tiền, hoặc cả bị cáo và người liên quan đều phải liên đới bồi thường.

“Vênh” quan điểm xử lý

Cuối tháng 7/2019, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội có kháng nghị về bản án hình sự sơ thẩm vụ án Nguyễn Hữu Khiêm cùng đồng phạm phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đáng chú ý, các quyết định của Viện kiểm sát và Tòa án lại “vênh” nhau về phần trách nhiệm dân sự.

Cụ thể, Hội đồng xét xử tuyên buộc 38 hộ dân đã nhận tiền đền bù trái quy định phải hoàn trả cho chủ đầu tư. Trong khi đó, Viện kiểm sát cho rằng, thiệt hại là do chính các bị cáo gây ra nên phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại theo Khoản 1, Điều 48, Bộ luật Hình sự 2015. Do vậy, bản án tuyên buộc 38 hộ dân đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ trái pháp luật và phải hoàn trả cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển THT là không phù hợp.

Từ đó, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng trên. Theo đó, cần buộc các bị cáo chính gồm Nguyễn Hữu Khiêm (sinh năm 1967, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh); Nguyễn Thị Xuân Hương (sinh năm 1979, cựu cán bộ địa chính xã) và Nguyễn Thị Gấm (sinh năm 1962, cựu chủ nhiệm hợp tác xã) phải liên đới bồi thường số tiền 25,6 tỷ đồng.

Những sai phạm bồi thường thừa tiền xảy ra tại dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây do Công ty THT làm chủ đầu tư. Công ty THT có 100% vốn nước ngoài. Năm 2006, Công ty ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Hà Nội để thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng với diện tích 207,66 ha. Năm 2007, UBND TP. Hà Nội có quyết định thu hồi 1.173,030 m2 đất tại xã Cổ Nhuế và xã Xuân Đỉnh thuộc huyện Từ Liêm (nay là phường Xuân Tảo và phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm). Nguồn đất này do UBND các xã quản lý, các hộ dân đang sử dụng để sản xuất nông nghiệp.

Tổng kinh phí để thu hồi đất là 337,1 tỷ đồng. Nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng do Công ty THT ứng trước vốn. Sau này, ngân sách Nhà nước sẽ hoàn trả bằng hình thức trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp. Tuy nhiên, trong quá trình đền bù, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, ký xác nhận cho các hộ dân điều chuyển diện tích đất nông nghiệp bị thừa cho các hộ khác để nhận phần bồi thường chênh lệch. Đồng thời, kê khai đất mương, đường giao thông để được nhận bồi thường. Hành vi này gây thiệt hại 25,6 tỷ đồng.

Trong một vụ án khác về chi tiền bồi thường, hỗ trợ di dời cho các hộ dân theo hình thức đất đổi đất tại khu vực Nhà máy Thủy điện Sơn La, một số cựu lãnh đạo, cán bộ huyện Mường La, Sơn La cũng chịu hình phạt tù về hành vi kê đất sai cho một hộ dân với số tiền chênh 1,2 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng tuyên buộc hộ này phải hoàn trả lại khoản tiền chênh đã nhận.

Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm?

Theo LS. Dương Thị Thu Thủy (Đoàn luật sư Hà Nội), về nguyên tắc, trong vụ án hình sự, ai có hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến gây ra thiệt hại thì người đó phải có trách nhiệm khắc phục thiệt hại. Ai đã nhận tiền thì phải trả lại. Như vậy, các bị cáo sai phạm phải có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, nếu các bị cáo hoặc tài liệu hồ sơ vụ án chứng minh được khoản tiền thiệt hại đó đã được đưa cho người khác, thì người đã nhận tiền phải có trách nhiệm hoàn trả. Như vậy, tùy tình huống mà các bị cáo có thể phải bồi thường toàn bộ thiệt hại của vụ án, hoặc người nhận tiền phải hoàn trả lại tiền, hoặc cả bị cáo và người liên quan đều phải liên đới bồi thường.   

Thực tế, trong đền bù giải phóng mặt bằng, việc số tiền đền bù bị “kê vống” không phải hiếm, trong đó phổ biến là nâng vị trí để hưởng mức đền bù cao hơn.

Thực tế, trong đền bù giải phóng mặt bằng, việc số tiền đền bù bị “kê vống” không phải hiếm, trong đó phổ biến là nâng vị trí để hưởng mức đền bù cao hơn. Chẳng hạn, đất ở vị trí 4 được nâng lên vị trí 3 theo khung giá đất của địa phương. Có trường hợp đất lưu không, đất vô chủ, Nhà nước không quản lý thì xảy ra tình trạng làm hồ sơ khống, đưa người khác vào đứng tên để lấy tiền đền bù.

Ngoài ra, có trường hợp khi thu hồi một khu vực diện tích lớn, phần đát dôi dư có thể là lối đi, ngõ nhỏ đối với đất đô thị, hoặc là đường bờ thửa, kênh mương đối với đất nông nghiệp. Điều này dẫn đến tổng diện tích của từng mảnh đất, thửa ruộng theo hồ sơ địa chính nhỏ hơn so với tổng diện tích của cả khu vực giải phóng mặt bằng. Thực tế, diện tích này không thuộc về ai, nên hoặc là chủ đầu tư được hưởng, hoặc là nếu tiến hành đền bù thì số tiền thuộc về Nhà nước.

Tin bài liên quan