Trong đó, dư nợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 41%; hoạt động trong ngành thương mại và dịch vụ 54%; hoạt động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 5% trên tổng dư nợ.
Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (9,4% so với cuối năm 2018) và cao hơn cùng kỳ năm 2018.
Trong điều kiện doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng huy động vốn thông qua TTCK, các nguồn vốn hỗ trợ có nguồn từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ quốc tế còn hạn chế thì vốn tín dụng ngân hàng vẫn là kênh tài trợ chủ yếu cho các doanh nghiệp này phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, tình hình cấp tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo ngành, lĩnh vực như sau: đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong ngành nông nghiệp đạt 64.849 tỷ đồng, tăng 3,83% so với cuối năm 2018, chiếm 3,36% tổng dư nợ của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (đến cuối tháng 9/2019, dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1,93 triệu tỷ đồng, tăng 8,11% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 24,48% dư nợ tín dụng nền kinh tế)
Đối với doanh nghiệp trong ngành lúa gạo đạt 109.023 tỷ đồng, tăng 9,87% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ trồng, sản xuất lúa đạt 29.010 tỷ; dư nợ phục vụ thu mua, tiêu thụ lúa gạo đạt 67.480 tỷ; dư nợ chế biến, bảo quản lúa gạo đạt 12.533 tỷ. Riêng vụ Đông Xuân năm 2019, các tổ chức tín dụng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cấp hạn mức tín dụng hơn 24.000 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay gần 17.000 tỷ đồng để thu mua gần 2,7 triệu tấn lúa gạo.
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành thương mại, dịch vụ đạt 820.778 tỷ đồng, tăng 15,59% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tháng 9/2018 tăng 13,66%). Trong đó, dư nợ đối với doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ; sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 464.190 tỷ đồng; với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, kho bãi đạt 63.936 tỷ đồng; với doanh nghiệp hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 11.197 tỷ đồng.
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020 được Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/10 vừa qua, chỉ số tiếp cận tín dụng là một trong 5 chỉ số được nâng hạng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước (vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP là tăng ít nhất 01 bậc trong năm 2019), đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng 25/190 nền kinh tế - vượt mục tiêu đề ra.