Đến 30/6, tín dụng sẽ đạt mục tiêu 5-6%?

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, song với mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp và cầu vốn dần trở lại cuối quý II/2024, kéo tín dụng tăng trưởng.
Đến 30/6: Tín dụng sẽ đạt mục tiêu 5-6%?

Đến 30/6: Tín dụng sẽ đạt mục tiêu 5-6%?

Sức hấp thụ vốn còn yếu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị các tổ chức tín dụng nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II ở mức 5-6%. Cập nhật trong báo cáo dự báo về các ngành mới đây, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, đến ngày 20/6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 4,17%, tương đương với hơn 565.000 tỷ đồng được bơm thêm ra nền kinh tế, cao hơn nhiều so với con số 0,26% cuối quý I/2024 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.

Với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế nói trên, MBS cho rằng, đã tiến gần hơn tới mục tiêu 5 - 6% trong nửa đầu năm được Thủ tướng, NHNN đề ra trước đó. Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 ngày 19/6, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến 14/6/2024, tín dụng tăng trưởng 3,79% so với cuối năm 2023.

Còn đến cuối tháng 5 tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 2,41% so với cuối năm 2023. Như vậy, theo ước tính của MBS, chỉ trong 20 ngày của tháng 6/2024, tín dụng đã tăng thêm 1,76 điểm %,tương đương với hơn 238.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế.

Nhưng nhìn chung, trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng có những bước đi chậm chạp sau khi đạt mức tăng trưởng 13,78% vào cuối năm 2023. Hai tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống giảm so với cuối năm 2023. Cụ thể, cuối tháng 1 giảm 0,6%, cuối tháng 2 giảm 0,72%. Mãi đến cuối tháng 3, tín dụng mới quay đầu tăng trưởng 1,34% và tăng dần trong các tháng sau đó khi cuối tháng 4 đạt 2,01%.

Điều đó cho thấy, về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định. Một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.

Tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng chậm trong hai quý đầu năm, song giữa các ngân hàng có sự phân hóa, trong đó có nhà băng tăng trưởng tương đối tích cực, có nơi lại tăng trưởng âm. NHNN cho biết, sẽ điều chuyển room tín dụng của những ngân hàng tăng trưởng dư nợ cho vay không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng trong thời gian tới.

Nỗ lực kích cầu tín dụng

NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm tăng trưởng khả quan nhờ những chỉ đạo quyết liệt hành động của Chính phủ, các bộ ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Cùng với đó, NHNN cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng 6 tháng cuối năm 2024 là chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Tại các ngân hàng có vốn nhà nước, mặc dù tín dụng còn tăng chậm trong nửa đầu năm nay, nhưng cũng kỳ vọng, tăng trưởng hoạt động cho vay sẽ dần cải thiện trong nửa cuối năm 2024. Vietcombank cho biết tính đến hết 17/6, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mới đạt 2,1%, tuy nhiên dự kiến đến hết 30/6 mức tăng trưởng sẽ đạt 4,3%, đến hết 30/9 là 8,2% và cả năm là 12%.

BIDV cũng thông tin rằng, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng cập nhật hết 17/6 là 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ so với cuối năm 2023. Tính theo doanh số giải ngân là 34 triệu tỷ đồng, vòng quay vốn là 2,78 lần. Theo lãnh đạo BIDV, cuối năm 2023 tăng trưởng khá nhanh và trong 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm, bắt đầu tăng trưởng vào tháng 5 và đến nay là tăng 4,7%.

BIDV cho biết, hiện ngân hàng có 16 gói tín dụng quy mô 80.000- 90.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5- 2,5% so với khách hàng thông thường, để thúc đẩy tăng trưởng. Trong gần 6 tháng đầu năm, BIDV giảm lợi nhuận 3.500 tỷ để hỗ trợ khách hàng. Trong khi đó, Agribank cho biết đến, hết 31/5, tổng tài sản của Agribank đạt trên 2 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ đạt 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 1,24%. Dự kiến đến hết 30/6 tăng 2,5% và hết năm tăng trưởng 8,5%.

Tại khối ngân hàng tư nhân có ACB cho biết, tín dụng đến gần cuối tháng 5/2024 tăng khoảng 9,5%. Theo ACB, trong quý II/2024 tín dụng ngân hàng tăng gấp đôi so với quý đầu năm nay và kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới.

Bởi thực tế, tín dụng luôn tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm của các doanh nghiệp nên ngân hàng đang nỗ lực để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN cấp đầu năm 2024 là 16%. Tại SHB, Ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng hiện mới đạt 2,54%, trong khi dự kiến đến ngày 30/6 tăng 5%.

Theo yêu cầu của Thủ tướng hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6%, cả năm đạt 15 - 16% theo mục tiêu đề ra. Để đạt mục tiêu này, NHNN cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên ổn định lãi suất như hiện nay, giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp cần thiết để đảm bảo nguồn vốn cho vay, sẵn sàng hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.

NHNN cũng cho biết, sẽ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 đảm bảo hiệu lực thi hành Luật từ 1/7. Đồng thời, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tin bài liên quan