Đến 28/9, tỷ giá tăng nhẹ so với cùng kỳ, lãi vay không cao hơn các nước tương đồng

Đến 28/9, tỷ giá tăng nhẹ so với cùng kỳ, lãi vay không cao hơn các nước tương đồng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Việc điều hành tỷ giá chủ động và linh hoạt đã góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, nâng cao vị thế Đồng Việt Nam, giảm tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, công tác phối hợp trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá giữa NHNN và Bộ Tài chính đã được triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ cấp lãnh đạo đến các cấp tham mưu. Qua đó, giúp ổn định giá trị đồng tiền, hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, góp phần hỗ trợ công tác phát hành trái phiếu Chính phủ, nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ nhà nước.

Kết quả là, mặc dù dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục nhưng mức tăng của tổng phương tiện thanh toán (M2) và lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp: M2 giai đoạn 2016-2019 và 9 tháng đầu năm 2020 (đến ngày 24/9/2020) tăng lần lượt là 17,65%; 14,91%; 12,21%; 14,22% và 8%.

Lạm phát bình quân các năm 2016-2019 và 9 tháng đầu năm 2020 lần lượt là 2,66%; 3,53%; 3,54%; 2,79% và 3,85%, được duy trì khá ổn định quanh ngưỡng mục tiêu 4% và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 18,58% của năm 2011 và 7,8%/năm của giai đoạn 2011-2015.

Lạm phát cơ bản từ năm 2016 đến nay tương đối ổn định ở mức thấp, thể hiện sự ổn định và hiệu quả trong công tác điều hành chính sách tiền tệ; đồng thời, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý (lạm phát cơ bản bình quân các năm 2016-2019 và bình quân 9 tháng đầu năm 2020 lần lượt là 1,83%; 1,41%; 1,48%; 2,01% và 2,59%). Ước cả năm 2020, lạm phát bình quân dưới 4%.

9 tháng đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh. Theo đó, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm, giảm khoảng 2,5%/năm so với năm 2016.

Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng.

Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm, giảm khoảng 2,5%/năm so với năm 2016.

Tính đến tháng 7/2020, lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%/năm; Việt Nam 7,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam (4,5%/năm) hiện thấp hơn mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4.

Nếu so với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia (9,41%), Mông Cổ (16,92%), Bangladesh (7,79%), Myanmar (14,5%) và Ấn Độ (9,05%) thì lãi suất Việt Nam chỉ ở mức trung bình.

NHNN cũng cho biết, trong một số giai đoạn, cơ quan này đã thực hiện mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng, bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Ngược lại, trong một số giai đoạn (như cuối năm 2016, nửa cuối năm 2018), khi tỷ giá tăng mạnh, cầu ngoại tệ có dấu hiệu căng thẳng, NHNN đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp (bao gồm cả bán ngoại tệ kỳ hạn) để cân đối cung-cầu ngoại tệ và ổn định thị trường ngoại tệ.

Ngoài ra, NHNN đã phối hợp đồng bộ các giải pháp, công cụ khác như điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền đồng...; đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng thị trường về quan điểm và biện pháp điều hành, qua đó tạo sự đồng thuận của các thành viên thị trường và nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của chính sách tiền tệ và tỷ giá.

Thực tế cho thấy, việc điều hành tỷ giá chủ động và linh hoạt đã góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, nâng cao vị thế Đồng Việt Nam, giảm tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô. Đồng thời, khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, tạo nguồn cung tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, góp phần giảm dần tình trạng đô la hóa…

Số liệu cho biết, tỷ giá trung tâm các năm 2016 - 2019 và đến ngày 28/9/2020 lần lượt tăng 1,23%; 1,2%; 1,78%; 1,45% và 0,31% so với cuối năm trước; tỷ giá bình quân liên ngân hàng lần lượt tăng 1,2%; giảm 0,25%; tăng 2,16%; giảm 0,12% và tăng 0,08% so với cuối năm trước. Đồng Việt Nam ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại.

Tin bài liên quan