1 Con đường dẫn đến Khu chế xuất Tân Thuận, nơi Công ty Unika Việt Nam đóng quân, có vẻ như khác với mọi ngày. Dưới tán của hàng cây rợp bóng, cái không khí oi nồng của buổi chiều mùa khô trên phố đã bị bỏ lại phía sau. Chắc hẳn, cảnh quan ngày nay đã khác lắm nếu so với ngày ông Jijiro Kimura sang Việt Nam tiếp quản vị trí Tổng giám đốc Công ty Unika vào năm 1997.
Ông Jijiro Kimura tiếp chúng tôi trong bộ đồng phục của một kỹ sư, khi vừa rời xưởng sản xuất. Vẻ bình dị và gần gũi của ông đã thay thế cho sự tưởng tượng của chúng tôi về sự oai vệ, hay ít ra cũng phải bội phần sang trọng của người đảm trách vị trí tổng giám đốc. Cái bắt tay chặt cùng cử chỉ quệt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đượm màu sương gió và đặc biệt, đôi mắt sáng đầy thiện cảm của ông đã nhanh chóng xóa đi khoảng cách không cần thiết giữa những người mới gặp gỡ lần đầu.
Đúng với phong thái của người lấy công việc làm đầu, ông nói ngay về cơ duyên đến với mảnh đất hình chữ S mà ngày ấy vẫn còn rất lạ lẫm với đa phần người dân Nhật.
Ông kể, gần 20 năm trước, trong số 2.000 sinh viên học tại Trường đại học Gunma (trường đại học quốc gia danh tiếng của Nhật Bản), ông là một trong 3 sinh viên liên tục được nhận học bổng của Trường. Sau khi tốt nghiệp, hãng điện tử hàng đầu nổi tiếng của Nhật Bản là NEC đã mời ông về làm việc và không quên “tặng” nhà cửa cùng các chế độ ưu đãi không thể tốt hơn.
Nếu cứ vậy, có lẽ cuộc đời ông sẽ lặng lẽ để dần vượt lên những nấc thang trong nghề nghiệp và danh vọng như bao kỹ sư tài tài năng khác trên quê hương Nhật Bản của ông.
Cuộc đời chẳng mấy ai học được chữ ngờ. Khi đang làm việc trong một môi trường như mơ, thì một lần tình cờ, ông Yasumi Yoshinori, Chủ tịch Tập đoàn Unika muốn đưa ông Jijiro Kimura đầu quân cho Tập đoàn để điều hành một công ty con của Unika tại Việt Nam.
Biết ông đang tham gia công việc chế tạo robot, Chủ tịch Tập đoàn Unika nói khích: “Làm việc với người vẫn vui hơn làm việc với robot chứ?”. Định phản ứng lại, nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, ông thấy cũng có lý, bởi dù sao, chế tạo robot cũng giống như ca sĩ hay cầu thủ bóng đá - tuổi thọ của nghề chỉ khoảng10 năm (lúc đó ông 33 tuổi). Khi lớn tuổi, thì làm toán không được nhạy nữa. Và quan trọng hơn, làm việc với người vẫn vui hơn với robot.
Nghĩ vậy, nhưng trong ông vẫn còn đắn đo. Đắn đo lớn nhất với ông là, vị trí hiện tại ở NEC có được là do người thầy mà ông nể trọng ở Trường đại học Gunma đã giới thiệu. Lại nữa, chính tại NEC, vị Trưởng phòng cũng rất đỗi mến ông. Vì thế, ông sẽ đi sang Việt Nam làm việc, nếu ông Yasumi Yoshinori chấp thuận cùng ông qua gặp và thuyết phục được hai người này.
Thế rồi, với một lý do rất… nhân văn, vị Chủ tịch Yasumi Yoshinori cũng thực hiện được điều kiện ông đưa ra. Đó là đề nghị tạo điều kiện cho ông Jijiro Kimura sang Việt Nam làm việc để có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho xã hội - làm cầu nối giúp doanh nghiệp “đàn em” từ Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư.
2 Giờ đây, ông Jijiro Kimura vẫn không thể quên lúc mới tới Việt Nam làm việc vào năm 1997. Khi đó, ngồi taxi đi trên đường từ trung tâm quận 1 (TP.HCM) đến Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), phải qua đường Huỳnh Tấn Phát lầy lội bùn đất. Cách đó vài tuần, ông còn làm lập trình phần mềm ở phòng máy lạnh, trên tòa nhà 30 tầng, đến khi qua Việt Nam làm ở môi trường đầy dầu mỡ (Unika chuyên sản xuất cơ khí), cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, khiến ông thấy như “từ trên trời rơi xuống đất”.
Nhưng, với bản tính thích sống trong thử thách, ông quyết tâm đi đến cùng. Để rồi, tính đến thời điểm này, sau 17 năm, Unika Việt Nam đã chiếm 60% công việc của Tập đoàn Unika. Mỗi tháng, Tập đoàn bán khoảng 300.000 mũi khoan bê tông các loại, thì riêng Unika Việt Nam đóng góp 220.000 sản phẩm, xuất khẩu đi 10 nước trên thế giới.
Thấy Công ty đã phát triển ổn định, ông lại nghĩ ngay đến việc đóng góp lại cho xã hội. Ông bảo, ở Nhật Bản, có văn hóa rất hay, đó là “văn hóa xí nghiệp”, tức khi một doanh nghiệp làm ăn thành công, thì phải đi kèm với nó là đóng góp lại cho xã hội bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có việc dìu dắt đàn em là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản khi họ muốn sang Việt Nam đầu tư.
Hơn thế, qua những lần làm việc với Ban quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), ông được biết, Hepza đang mong muốn mời gọi nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam đầu tư. Hai tư tưởng gặp nhau, nhưng khi thực hiện việc này, thì kể từ năm 2011 đến 2013, họ đều thất bại.
Lý do của thất bại rất đơn giản, họ đã không thể chỉ ra cho doanh nghiệp Nhật Bản địa điểm đầu tư, cũng như các dịch vụ đi kèm. Nhiều câu hỏi của nhà đầu tư, như đi đâu, đi như thế nào, khi nào đi, đi có bảo chứng không, ai chỉ dẫn… đã không có được câu trả lời thích đáng.
“Nhưng chính việc tìm ra được nguyên nhân của thất bại chính là mầm mống của thành công. Và đó chính là lý do sự ra đời của Khu Kỹ nghệ Việt Nhật, với việc lo trọn gói các dịch vụ để làm sao doanh nghiệp Nhật Bản vào đâu đầu tư chỉ lo mỗi một việc duy nhất là sản xuất”, ông Jijiro Kimura nói và cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản có đặc điểm là: công nghiệp phụ trợ của họ nhỏ, kỹ nghệ của họ sâu, tay nghề cao, nhưng do họ còn hạn chế về vốn, nên sang Việt Nam đầu tư được họ coi là một trong những cơ hội.
“Vậy nên, mình phải dọn nhà cho họ ở, phải dọn mặt bằng, hướng dẫn họ luật pháp, phải hướng dẫn họ về ngôn ngữ, lo xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xin giấy phép lao động cho họ… Đó mới là kêu gọi đầu tư. Nếu chỉ đọc diễn văn rằng, tới đây đầu tư vui lắm, tốt lắm, thì chưa được”, ông Jijiro Kimura nói.
Vậy là, sau một thời gian xúc tiến, Khu Kỹ nghệ Việt Nhật (Vie-Pan Techno Park) do Công ty TNHH Khu kỹ nghệ Việt Nhật - một liên doanh giữa Công ty Vie-Pan Industrial Park Co., Ltd thuộc Tập đoàn Unika Holdings Company góp 55% vốn và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (góp 45% vốn) - thực hiện đầu tư đã được khởi công xây dựng ngày 17/2/2014. Đây được xem là khu công nghiệp phụ trợ tập trung đầu tiên của TP.HCM, nhằm thu hút các nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ của Nhật Bản vào sản xuất, kinh doanh.
3 Ít người biết, đằng sau mục đích “kích thích” công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển, khu kỹ nghệ này còn có mục tiêu sâu xa hơn.
Ông Jijiro Kimura cho biết, mục đích cuối cùng của Khu Kỹ nghệ Việt Nhật là biến nó thành một khu văn hóa Nhật Bản. “Tôi đem văn hóa quản lý của Nhật Bản về cho người Việt Nam tham khảo: từ cách quản lý, cách báo cáo, rồi chào hỏi, sắp xếp công việc. Tôi nghĩ, người Việt Nam nên học người Nhật những vấn đề này, bởi người Nhật Bản đã đem sản phẩm của họ đi bán được ở khắp thế giới”, ông Jijiro Kimura nói.
Theo ông, về phong cách làm việc, văn hóa Nhật Bản có nhiều điểm khác biệt với Việt Nam. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, nếu buổi sáng giờ làm việc từ 8 giờ, thì từ 7 giờ 30, hoặc 7 giờ 45, công nhân viên đã tới công ty. Họ dành chút thời gian buổi sáng hỏi han nhau, hút với nhau điếu thuốc trước khi bắt tay vào làm việc. Trong khi người Việt Nam lúc nào cũng vội vã, trễ giờ làm. Đến hết giờ làm trong ngày, người Nhật cũng không vội về. Họ vẫn nán lại công ty xem điện đã tắt hết chưa, rồi mới ra về. Trong khi người Việt Nam đúng 5 giờ chiều là… ào ra cổng!
“Ước mơ của tôi là đem văn hóa xí nghiệp, lề lối quản lý của Nhật Bản vào Việt Nam, để đàn em Nhật Bản qua Việt Nam đầu tư, họ dễ dàng hội nhập. Người Nhật lo nhất là văn hóa xí nghiệp Việt Nam khác với họ. Tôi muốn đưa khu Việt Nhật này trở thành hình mẫu, sau đó mới nhân rộng”, ông Jijiro Kimura nói.
Mục tiêu của Khu Kỹ nghệ Việt Nhật là thu hút 200 - 300 doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư. Riêng cá nhân ông Jijiro Kimura đã trực tiếp gặp gỡ 500 doanh nghiệp Nhật Bản tại nhiều buổi xúc tiến đầu tư khác nhau để thuyết phục họ sang Việt Nam đầu tư. Hiện có khoảng 800 doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm liên lạc với Công ty TNHH Khu Kỹ nghệ Việt Nhật, do ông Jijiro Kimura kiêm Tổng giám đốc.
Hiện tại, giai đoạn I, Khu Kỹ nghệ Việt Nhật xây dựng 3 ha, kế tiếp giai đoạn II là 13 ha. Sau đó, nếu làm tốt, TP.HCM sẽ hỗ trợ quỹ đất để mở rộng. “Chúng tôi phải nhanh chóng làm xong nhà xưởng cho 22 doanh nghiệp đầu tiên”, ông Jijiro Kimura nói và cho biết, dự án này được sự quan tâm hỗ trợ nhiệt tình của các cơ quan của Việt Nam.
Vẫn khuôn mặt đượm màu sương gió và vẫn vẻ nhìn thiện cảm, nhưng đầy tự tin, ông Jijiro Kimura tự tin khẳng định, sẽ sớm thôi, Khu Kỹ nghệ Việt Nhật tâm huyết của ông sẽ bừng sáng. Bừng sáng của ánh điện khi hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà máy hối hả đua nhau sản xuất và tất nhiên bừng sáng cả kế hoạch “đưa văn hóa xí nghiệp của Nhật Bản sang Việt Nam” của một người đã từ bỏ sự tiện nghi để gắn mình với mảnh đất hình chữ S này ngót hai thập kỷ.