Lợi thế dành cho cổ phiếu doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững vàng, quỹ đất sạch sẵn sàng triển khai dự án lớn. Ảnh: Dũng Minh

Lợi thế dành cho cổ phiếu doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững vàng, quỹ đất sạch sẵn sàng triển khai dự án lớn. Ảnh: Dũng Minh

"Đếm cua" cổ phiếu địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sóng cổ phiếu địa ốc chủ yếu được kỳ vọng từ quỹ đất, nhưng thực tế, không phải lô đất nào cũng lập tức... hô biến thành sản phẩm đưa ra thị trường.

Nỗ lực tìm lại mình

Thông tin được quan tâm nhiều nhất tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 vừa diễn ra của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) là thực hiện cam kết “sẽ lấy lại những gì TDH đã từng sở hữu” của tân Tổng giám đốc Đàm Mạnh Cường.

Thủ Đức House từng là một thương hiệu bất động sản lớn tại TP.HCM trước khi trượt dài và câu chuyện cựu Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Bảo Hoàng bị khởi tố hình sự liên quan đến kinh doanh xuất khẩu linh kiện điện tử trong giai đoạn 2017-2019 chỉ là “giọt nước tràn ly”.

Báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2021 cho thấy, mức lỗ ròng của TDH đã vượt 942 tỷ đồng tính đến thời điểm 31/12/2021, tức tăng thêm gần 366 tỷ đồng. Ngoài số tiền thuế phát sinh phải nộp bù cho cơ quan điều tra, việc hoạt động kinh doanh chính là bất động sản gần như “đứng hình” cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp này lỗ nặng trong năm qua.

Tại đại hội, ông Cường thừa nhận, nhiều dự án tại Nhà Bè, Hóc Môn, Long An… mới chỉ khảo sát ban đầu và chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư, trong khi TDH định hướng mỗi năm có tối thiểu 1 dự án được triển khai. Bên cạnh đó, kế hoạch quay trở lại với dự án Chợ Thủ Đức cũng chưa được chấp thuận khi tỷ lệ cổ đông ủng hộ chỉ đạt 39%.

Ông Cường cho biết, kỳ vọng của TDH hiện đặt cả vào 2 dự án là Khu nhà ở thương mại Đồi Vàng Phú Mỹ và Khu dân cư Đông Trung. Với dự án Đồi Vàng Phú Mỹ, sau khi khi ký bán thì đối tác đã xin được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời TDH cũng đã thảo luận để được tạo điều kiện tham gia dự án theo định giá mới. Ước tính, dự án này sẽ đem về 300 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó phần của TDH phụ thuộc vào tỷ lệ thỏa thuận với đối tác.

Còn Khu dân cư Đông Trung, vấn đề nằm ở nguồn tài chính phát triển dự án, mà điều này phụ thuộc rất lớn vào kế hoạch chào bán riêng lẻ 120 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong năm 2022 với mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại là 9.730 đồng/cổ phiếu (giá chốt ngày 21/4/2022).

Câu chuyện trở lại của những “tên tuổi một thời” làng bất động sản trong năm 2022 cũng phải nhắc tới CTCP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (mã NVT). Thời điểm đầu năm, cổ phiếu NVT đã tăng phi mã với những đồn đoán về sự thâu tóm từ CTCP Nhựa Đồng Nai (mã DNP). Song song đó, NVT công bố loạt thông tin liên quan tới triển khai dự án mới như nhận chuyển nhượng Công ty TNHH Đầu tư du lịch Dã Hương, nắm giữ thêm 2 khu nghỉ cao cấp là Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa và khu nghỉ dưỡng Mũi Né.

Tuy nhiên, tới nay, kế hoạch trở lại của NVT vẫn chưa có chuyển biến mới, trong khi sức ép từ khoản lỗ lũy kế hơn 700 tỷ đồng và chi phí phục vụ việc tái vận hành Khu nghỉ dưỡng Six Sensen Ninh Van Bay ngày một đè nặng.

Tại CTCP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (mã HQC), trong bối cảnh chiến lược tái cấu trúc còn ngổn ngang, doanh nghiệp này đối mặt thêm thách thức sau lùm xùm liên quan tới nhóm cổ đông lớn từ Louis Land. Hiệu quả kinh doanh yếu kém là nỗi thất vọng lớn đối với các cổ đông Hoàng Quân, khi doanh nghiệp chỉ báo lãi “cho có” một vài tỷ đồng trong vài năm qua, cho dù có vốn điều lệ lên tới 4.766 tỷ đồng.

Hiện tại, điều mà các cổ đông mong đợi nhất là Hoàng Quân sớm hoàn tất kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp và xóa thặng dư vốn âm vào năm 2023 như lời hứa hẹn của Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn tại Đại hội cổ đông năm ngoái.

Kỳ vọng lớn...

Cũng chịu tác động của đại dịch Covid-19, song CTCP Đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest (mã HPX) vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh với con số lợi nhuận vài trăm tỷ đồng mỗi năm trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, kỳ vọng vào Hải Phát Invest còn lớn hơn thế để doanh nghiệp này tiếp tục cụ thể hóa tham vọng tăng trưởng lợi nhuận 20-25%/năm và trở thành doanh nghiệp “tỷ đô” như lời cam kết với các cổ đông và các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp cách đây gần 4 năm - thời điểm bắt đầu lên sàn chứng khoán.

Dù việc mở rộng quỹ đất ở Hà Nội bế tắc do vướng mắc liên quan đến những dự án đổi đất lấy hạ tầng mà Hải Phát Invest liên danh với Văn Phú Invest, hay trục trặc trong việc phát triển các dự án liên quan đến Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, nhưng Hải Phát Invest cũng đã gia tăng quỹ đất ở nhiều địa phương khác như Hòa Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Thuận, Vũng Tàu… Tính đến hiện tại, Hải Phát Invest đang sở hữu hàng trăm héc-ta đất sạch sẵn sàng triển khai dự án.

Trong năm 2022, Hải Phát Invest sẽ đưa vào kinh doanh cũng như bàn giao nhà và hoàn thiện hạ tầng 4 dự án trọng điểm gồm HP Galaxy Cao Bằng, HP Intermix Bắc Giang, Khu đô thị Mai Pha - Lạng Sơn và dự án Móng Cái - Quảng Ninh.

Với CTCP Đầu tư Văn Phú - Văn Phú Invest (mã VPI), sau thành công với 3 dự án The Terra An Hưng, Terra Hào Nam và Grandeur Palace Giảng Võ, nhà phát triển dự án này đặt mục tiêu bứt tốc trong năm 2022 với một loạt dự án tại Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Cần Thơ và TP.HCM.

Cụ thể, Văn Phú Invest lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 538 tỷ đồng và 430 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, 3 dự án The Terra An Hưng, Terra Hào Nam và Grandeur Palace Giảng Võ tiếp tục đóng góp khoảng 770 tỷ đồng doanh thu.

Tại CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR), sau khi lọt vào rổ VN30, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Công ty cho biết, Phát Đạt có nhiều cơ sở để tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Theo đó, Phát Đạt đặt mục tiêu doanh thu 10.700 tỷ đồng trong năm 2022, gấp 3 lần kết quả của năm 2021; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt ở mức 3.635 tỷ đồng và 2.908 tỷ đồng, tăng gần 56%.

Theo ông Vũ, doanh thu năm 2022 đã bao gồm doanh thu tài chính, nhưng chưa tính đến doanh thu chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án The EverRich 2 và phần còn lại của dự án The EverRich 3. Do đó, khi nào đủ điều kiện chuyển nhượng các dự án này theo quy định của pháp luật, Phát Đạt sẽ tiến hành ghi nhận doanh thu, nhưng sẽ loại trừ khi so sánh tình hình thực hiện với kế hoạch nêu trên.

Hiện tại, dự án Nhơn Hội New City và Astral City vẫn đang kinh doanh ổn định, thể hiện qua lượng hàng tồn kho tại 2 dự án này giảm khá mạnh trong năm qua. Về cơ bản, dự án Nhơn Hội New City đã thi công gần xong phần hạ tầng và đang được thúc tiến độ để bàn giao sớm trong nửa đầu năm 2022.

... nhưng cơ hội không chia đều

Trong vài tuần trở lại đây, thị trường chứng khoán trong xu hướng giảm và các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng này. Các thông tin khởi tố nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản là một trong những nguyên nhân tác động tới thị trường, bất chấp những thông tin tích cực về việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công hay triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn...

Nhìn chung, phần lớn doanh nghiệp địa ốc niêm yết đều đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022, nhưng lên kế hoạch là một chuyện, thực hiện kế hoạch đó như thế nào lại là chuyện khác. Trong bối cảnh hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng, để hoàn thành một kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao là không dễ dàng, chỉ những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững vàng, quỹ đất sạch sẵn sàng triển khai dự án lớn mới có khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tin bài liên quan