Tội hình sự thứ 4 trong lĩnh vực chứng khoán
BLHS hiện hành quy định 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán gồm: tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng giá chứng khoán. Quy định về 3 tội danh này trong dự thảo BLHS sửa đổi đều có những thay đổi lớn so với quy định hiện hành theo hướng tăng hình phạt tiền thay cho hình phạt tù.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung tội làm giả hồ sơ, tài liệu để chào bán, niêm yết chứng khoán, nếu được Quốc hội thông qua, thì đây sẽ là tội danh thứ 4 bị xử lý hình sự trong lĩnh vực chứng khoán.
Theo Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo, một số quy định của BLHS hiện hành không còn phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường; nhiều tội phạm mới phát sinh trong quá trình vận hành nền kinh tế chưa được kịp thời bổ sung, hoặc đã được bổ sung nhưng chưa đầy đủ, nhất là các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, thuế… Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Do đó, việc tội phạm hóa đối với 8 loại hành vi vi phạm nghiêm trọng trong các lĩnh vực kinh tế, trong đó có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để chào bán, niêm yết chứng khoán vào dự thảo BLHS sửa đổi là cần thiết.
Ban soạn thảo đề xuất các chế tài áp dụng đối với tội làm giả hồ sơ, tài liệu để chào bán, niêm yết chứng khoán theo hướng: người nào làm giả hồ sơ, tài liệu để chào bán, niêm yết chứng khoán, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên; có tổ chức; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Quy trách nhiệm hình sự của pháp nhân, ý kiến trái chiều
Một điểm mới đáng chú ý khác của dự thảo BLHS sửa đổi, mà Ban soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37 đang diễn ra, là lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 6 tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trong đó có 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán đã được quy định tại BLHS hiện hành. Ngoài các hình phạt chính: phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, tùy mức độ vi phạm mà các tội danh này còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn...
Tuy nhiên, khi thẩm tra dự án BLHS sửa đổi, theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cho rằng, không nên đặt vấn đề bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Những vướng mắc trong xử lý đối với các pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, chứ không phải do thiếu cơ sở pháp lý. Căn cứ các quy định hiện hành có thể xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền của pháp nhân. Nếu đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân kinh tế và chỉ trong một số loại tội, thì không bảo đảm tính công bằng với các loại hình pháp nhân khác cũng có vi phạm tương tự.
Nhưng ý kiến khác trong Ủy ban Tư pháp cho rằng, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong tình hình mới, bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, cần cân nhắc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS sửa đổi.