Trong dự thảo, Bộ đưa ra 4 mục tiêu cụ thể liên quan đến khu vực DNNN gồm: giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước trong phần lớn doanh nghiệp; giảm các ngành nghề Nhà nước cần nắm giữ đa số cổ phần; thoái toàn bộ vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề Nhà nước cần nắm giữ số cổ phần trên 50%; nâng cao hiệu quả kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước vượt qua mức hiệu quả trung bình ngành.
Đáng chú ý, Bộ đề xuất áp dụng quản trị hiện đại đối với các DNNN và tăng cường quản lý, giám sát các doanh nghiệp này thông qua đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Liên quan đến quá trình cổ phần hóa, Bộ đề nghị ban hành Luật thúc đẩy cổ phần hóa DNNN nhằm luật hóa các quy định về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ra khỏi doanh nghiệp, bao gồm: cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy cổ phần hóa, lộ trình cổ phần hóa, mức độ thoái vốn và thời gian thực hiện đối với từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là về định giá doanh nghiệp, xử lý tài chính, công nợ, đất đai, chế độ đối với người lao động, ngăn ngừa thất thoát tài sản.