Việc di dời ga Đà Nẵng đã được khởi động từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng chấp thuận giao UBND Tp. Đà Nẵng là cơ quan chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Bộ GTVT cho biết là sẽ có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ UBND Tp. Đà Nẵng trong quá trình triển khai đảm bảo quy định pháp luật về đất đai và xây dựng. Trong giai đoạn tiếp theo tùy thuộc vào nguồn vốn và thẩm quyền quản lý, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định chủ đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết thực hiện hợp đồng dự án phù hợp.
Đối với các công việc Bộ GTVT đã thực hiện nghiên cứu hợp phần di dời ga đường sắt Đà Nẵng, UBND Tp. Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan làm việc Bộ GTVT và các cơ quan liên quan để tiếp nhận hồ sơ và triển khai bước tiếp theo đúng quy định pháp luật; tận dụng tối đa kết quả nghiên cứu trước đây để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đảm bảo tuân thủ quy hoạch, tính thống nhất và triển khai đồng bộ, tránh lãnh phí.
Theo đề xuất UBND Tp. Đà Nẵng, Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị được chia làm 2 tiểu dự án và một số hợp phần nhỏ, có tổng mức đầu tư cả dự án (tạm tính) 12.363 tỷ đồng (đã bao gồm dự phòng 20%), trong đó Tiểu dự án 1 là 10.236 tỷ đồng, Tiểu dự án 2 là 2.400 tỷ đồng (sử dụng nguồn vốn Ngân sách thành phố).
UBND Tp. Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cho phép địa phương thực hiện dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT với quỹ đất hiện có và của thành phố. Tại Dự án này, UBND Tp. Đà Nẵng muốn đóng vai trò là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) để triển khai công tác chuẩn bị dự án, tổ chức lựa chọn và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định. Phối hợp làm việc với các bộ, ngành liên quan thống nhất cụ thể phương án đầu tư; báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong công văn số 4316/BGTVT – PPP, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trong bối cảnh ngân sách trung ương bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khó khăn, việc đề xuất chủ động nghiên cứu, cân đối ngân sách mình để hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án thể hiện địa phương rất quan tâm tới việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực.
Kiến nghị này của UBND Tp. Đà Nẵng nhằm triển khai trước việc di dời ga đường sắt quốc gia khu vực trung tâm thành phố trước và xây dựng nhà ga mới tại vị trí quy hoạch thuộc đường sắt tốc độ cao Bắc Nam kết nối với hạ tầng đường sắt cũ để vận hành, kết hợp tái thiết đô thị tại vị trí ga cũ. Nếu triển khai trước việc xây dựng nhà ga mới thì do đặc thù của ngành đường sắt, Tp. Đà Nẵng cần nghiên cứu kỹ quy hoạch và đầu tư xây dựng ga mới phù hợp với việc tích hợp khai thác kết nối cùng hệ thống đường sắt tốc độ cao đầu tư sau. Đồng thời nghiên cứu đầu tư đầu tư các công trình liên quan cho đồng bộ, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng của địa phương dọc hành lang hiện trạng.
Do dự án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam cần có chủ trương của cấp có thẩm quyền và thời gian thực hiện dự án kéo dài nên việc UBND Tp. Đà Nẵng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị sẽ được nghiên cứu triển khai bằng hình thức PPP, loại hợp đồng BT, sử dụng nguồn vốn từ quỹ đất của địa phương để thanh toán thực hiện dự án BT theo Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 là một giải pháp phù hợp và sớm triển khai mục tiêu xây dựng đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao qua khu vực Tp. Đà Nẵng.
“Bộ GTVT ủng hộ Tp. Đà Nẵng việc đề xuất chủ trì tổ chức nghiên cứu đồng bộ dự án và huy động nguồn lực của địa phương để triển khai; tuy nhiên, việc lựa chọn phương án đầu tư của các hợp phần, loại hợp đồng dự án cần nghiên cứu, so sánh cụ thể trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.