Những bất cập
Hiện tại, tổng số sản phẩm bảo hiểm trên thị trường lên tới khoảng 2.884 sản phẩm, bao gồm 2.350 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ và 534 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Chất lượng sản phẩm được cải thiện, nhiều sản phẩm bảo hiểm mới được ra đời, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tham gia bảo hiểm.
Ngoài các sản phẩm bảo hiểm truyền thống mang yếu tố bảo vệ đơn thuần, còn có các sản phẩm bảo hiểm mới mang yếu tố đầu tư tài chính như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Bên cạnh các sản phẩm triển khai mang tính chất kinh doanh, còn có các sản phẩm nhằm phục vụ chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm vi mô cho người có thu nhập thấp, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam như chương trình thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu…
Mặc dù vậy, theo Bộ Tài chính, nhiều sản phẩm bảo hiểm còn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, cũng chưa phù hợp với quy định pháp luật có liên quan, việc phân loại nghiệp vụ bảo hiểm chưa bao quát hết các nghiệp vụ, sản phẩm bảo hiểm mới phát triển sau này. Nhu cầu bảo hiểm của người dân ngày càng đa dạng, nên việc công ty bảo hiểm phải báo cáo cơ quan chủ quản phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới sẽ không linh hoạt, không đáp ứng kịp thời nhu cầu của bên mua bảo hiểm. Hiện có 2.734 sản phẩm thuộc 11 nhóm nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và 3 nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, trong số 484 sản phẩm bảo hiểm sức khỏe có 119 sản phẩm được phê chuẩn từ năm 2012 đến năm 2019. Tổng doanh thu phí gốc sản phẩm bảo hiểm sức khỏe năm 2018 là 14.460 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 30,8%).
Việc phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm sức khỏe cũng được bên xin phê duyệt (công ty bảo hiểm) lẫn bên phê duyệt (Bộ Tài chính) đánh giá là còn gặp nhiều khó khăn do nhà bảo hiểm không có đầy đủ hệ thống dữ liệu để tính phí bảo hiểm, đặc biệt đối với các sản phẩm bảo hiểm chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe, khả năng tính phí và giải trình cơ sở kỹ thuật tính phí của chuyên gia tính toán dự phòng còn hạn chế.
Một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ khác thì cho rằng, việc ban hành chi tiết quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm bắt buộc chưa tạo được cơ chế linh hoạt trong việc thỏa thuận phù hợp với mức độ rủi ro và nhu cầu bảo hiểm.
Nhu cầu bảo hiểm của người dân ngày càng đa dạng, nên việc công ty bảo hiểm phải báo cáo cơ quan chủ quản phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới sẽ không linh hoạt, không đáp ứng kịp thời nhu cầu của bên mua bảo hiểm.
Trong 20 năm qua (2000-2020), các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành có thể kể đến như bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bảo hiểm bắt buộc bảo hiểm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ.
Các sản phẩm khác do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, sản phẩm bảo hiểm thuộc nhóm phi nhân thọ còn diễn ra tình trạng không áp theo biểu phí đã được phê duyệt. Chẳng hạn, với bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ hạ phí thấp hơn so với biểu phí quy định, bán kèm bảo hiểm bắt buộc với bảo hiểm người ngồi trên xe để chi hỗ trợ, khen thưởng đại lý bán bảo hiểm bắt buộc và khuyến mại cho khách hàng, thậm chí có trường hợp bồi thường chưa đúng mức trách nhiệm theo quy định pháp luật… Hay với sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, vẫn còn tồn tại tình trạng bán bảo hiểm không đúng biểu phí quy định, không tách riêng phần bảo hiểm cháy nổ bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm trọn gói…
Không chỉ sản phẩm thuộc nhóm nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, tình trạng không áp đúng biểu phí đã được phê chuẩn cũng diễn ra ở các sản phẩm thuộc nhóm nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc phân loại nghiệp vụ vừa theo đối tượng bảo hiểm, vừa theo loại hình bảo hiểm, khiến các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn khi phân loại các sản phẩm bảo hiểm theo nghiệp vụ trong các báo cáo.
Thêm quyền cũng là thêm trách nhiệm
Trước thực tế trên, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức trực tiếp triển khai bảo hiểm thương mại và bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm y tế (bảo hiểm sức khỏe), bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm bảo lãnh thông quan, bảo hiểm tài sản công, quy định về cơ chế triển khai và phối hợp, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc phát triển sản phẩm, cung cấp sản phẩm, thu phí bảo hiểm, giám định tổn thất và giải quyết quyền lợi bảo hiểm/chi trả bồi thường, chia sẻ doanh thu, chi phí.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước đang cung cấp, triển khai hoặc có hoạt động liên quan đến các loại hình bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm y tế, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới... thì chịu trách nhiệm thiết kế sản phẩm bảo hiểm, tính toán phí bảo hiểm phù hợp, thu phí bảo hiểm và chia sẻ doanh thu, chi phí; thực hiện giám định tổn thất, chi trả quyền lợi bảo hiểm. Cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu về người tham gia bảo hiểm, hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm hoặc thông tin, tài liệu có liên quan trong quá trình bảo hiểm.
Theo Điều 90, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi bản mới nhất, doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm.
Quy tắc, điều khoản, biểu phí do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu như tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực đạo đức, văn hóa và phong tục, tập quán của Việt Nam; ngôn ngữ sử dụng trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm phải chính xác, cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu, các thuật ngữ chuyên môn cần được định nghĩa rõ trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm; thể hiện rõ ràng, minh bạch quyền lợi được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, phạm vi và các rủi ro được bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, phương thức trả tiền bảo hiểm, các quy định giải quyết tranh chấp; phí bảo hiểm phải được xây dựng dựa trên số liệu thống kê, tương ứng với điều kiện, trách nhiệm bảo hiểm và bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Ngày 28/9/2021, để chuẩn bị các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 dự kiến diễn ra trong tháng 10 tới, Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp toàn thể với hình thức họp trực tuyến để thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.