Đề xuất trên vừa được Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam gửi Chính phủ.
Theo cơ quan này, các tài liệu về trữ lượng mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình là tương đối đầy đủ, đảm bảo độ tin cậy để tiến hành nghiên cứu, thiết kế và khai thác mỏ đến độ sâu -550m.
Là mỏ có trữ lượng lớn (544 triệu tấn quặng sắt), điều kiện địa chất mỏ phù hợp với việc khai thác bằng phương pháp lộ thiên, là phương pháp mà ngành khai thác mỏ trong nước có nhiều kinh nghiệm và đạt trình độ thế giới. Do đó, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh là hoàn toàn khả thi, các giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ được lựa chọn là hợp lý, an toàn, đạt hiệu quả cao.
Xét về hiệu quả kinh tế, hiện nay, giá quặng trên thế giới dao động khoảng 65-70 USD/tấn. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, đến năm 2030 giá quặng sắt không dưới 60 USD/tấn, do đó hiệu quả kinh tế của dự án sẽ khả thi hơn và thời gian hoàn vốn sẽ sớm hơn.
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do CTCP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, được khởi công từ 2009. TIC được thành lập ban đầu với 9 cổ đông sáng lập, trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm tỷ lệ góp vốn lớn nhất.