Đề xuất thành lập Quỹ phát triển hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư tư nhân duy nhất tham gia Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 đã đề xuất nhiều giải pháp để khơi thông nguồn vốn vào các dự án PPP hạ tầng giao thông.
Thi công xây dựng hầm Núi Vung thuộc Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo

Thi công xây dựng hầm Núi Vung thuộc Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo

Ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tập đoàn Đèo Cả được mời tham dự Hội nghị với tư cách là nhà đầu tư PPP, nhà thầu thi công, quản lý vận hành nhiều công trình hạ tầng giao thông. Đây cũng là nhà đầu tư tư nhân duy nhất được Chính phủ mời tham gia Hội nghị quan trọng này.

Ông Hùng cho rằng, cần tổng kết và luật hóa để nhiều dự án đảm bảo tính khả thi, có thể triển khai theo hình thức PPP, là nguồn vốn mồi, thu hút các nguồn vốn khác tham gia dự án PPP thông qua tổ chức kết nối các nhà đầu tư hạ tầng giao thông với BĐS (bao gồm dân dụng, công nghiệp…).

Đối với nguồn vốn tín dụng, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, nhà đầu tư đang phải huy động vốn từ các ngân hàng thương mại với thời hạn ngắn, lãi suất cao tương đương như các lĩnh vực thương mại, tiêu dùng… Ngân hàng thường không mặn mà với lĩnh vực này do tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thấp và nhiều dự án BOT giao thông đã triển khai gặp vướng mắc nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Đại diện Đèo Cả kiến nghị, ưu tiên giải quyết dứt điểm các tồn tại của các dự án BOT trước đây để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các ngân hàng đã tiên phong cho vay trước đây mặc dù chưa có chính sách tham gia vốn của nhà nước tại các dự án PPP.

Ông Hùng đề xuất thành lập “Quỹ phát triển hạ tầng giao thông” hoặc giao Ngân hàng phát triển Việt Nam là ngân hàng đầu mối chủ trì thẩm định và cho vay các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức PPP, với các điều khoản vay, lãi suất, thời hạn phù hợp với lĩnh vực.

Hiện nay, một số nhà đầu tư đã chủ động huy động nhiều nguồn lực đầu tư khác thông qua việc tổ chức kết nối các nhà đầu tư giao thông với nhau, kết nối với các nhà đầu tư bất động sản và các loại hình dịch vụ khác… cùng tham gia đầu tư mô hình PPP. Cụ thể là cho phép các địa phương ban hành cơ chế về TOD (định hướng phát triển đô thị, dịch vụ theo công trình giao thông) để huy động vốn nhà nước tham gia cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo phương thức PPP.

“Các cơ quan chức năng cần có hình thức khen thưởng để động viên các doanh nhân, doanh nhiệp vượt khó đã đóng góp nhiều cho sự phát triển giao thông, bất động sản, dịch vụ khác… tổ chức phong trào thi đua yêu nước cho từng công việc, từng dự án, từng mục tiêu để có nhiều hơn các doanh nghiệp dân tộc trong thời gian tới”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị.

Tin bài liên quan