Nhiều tuyến đường cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ song cơ quan chức năng khó phát hiện để xử lý.
Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó đề xuất 3 phương án nhận diện xe kinh doanh và không kinh doanh vận tải (xe cá nhân).
Theo phương án 1, xe kinh doanh vận tải được phân biệt bằng việc cấp phù hiệu, biển hiệu như hiện nay.
Phương án 2, xe kinh doanh vận tải được phân biệt qua màu biển số xe từ khi đăng ký sở hữu phương tiện (hiện cả xe kinh doanh và không kinh doanh đều có biển số màu trắng).
Phương án 3, nhận diện thông qua màu tem đăng kiểm (hiện nay các loại phương tiện cùng màu tem đăng kiểm).
Bộ Giao thông Vận tải phân tích, nếu theo phương án 1, lực lượng chức năng khó kiểm soát các phương tiện kinh doanh vận tải, gây tình trạng lộn xộn như hiện nay.
Phương án này cũng gây thất thu cho ngân sách khi các cơ quan chức năng không kiểm soát được quy mô, nghĩa vụ nộp thuế của các phương tiện không đăng ký về phù hiệu.
Người dân sẽ gặp rủi ro khi sử dụng dịch vụ kinh doanh vận tải trá hình.
Với phương án 2, lực lượng chức năng kiểm soát được điều kiện kinh doanh, xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác. Người dân tránh được rủi ro khi sử dụng đúng các phương tiện được Nhà nước quản lý.
Tuy nhiên, phương án này sẽ phải đầu tư trên 100 tỷ đồng cho việc chuyển đổi giấy đăng ký và biển số xe đối với trên 700.000 xe đang kinh doanh vận tải.
Đối với phương án 3, việc thay đổi màu tem đăng kiểm và in thêm mã QR có thể không phát sinh thêm chi phí.
Thông qua việc nhận diện màu và mã QR của tem đăng kiểm, lực lượng chức năng sẽ giảm thời gian kiểm tra giấy tờ và thông tin của phương tiện, xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác.
Phương án này cũng không làm phát sinh chi phí cho Nhà nước trong việc cấp lại giấy đăng ký và biển số để nhận diện so với phương án 2.
Từ những phân tích, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng lựa chọn phương án 3 là giải pháp tối ưu.
Đề xuất này nhận được sự đồng tình của nhiều đơn vị kinh doanh vận tải. Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, giải pháp cần thiết để tăng cường nhận diện xe kinh doanh vận tải là quy định biển xe có màu sắc riêng.
Một số nước như: Lào, Campuchia, Thái Lan đã áp dụng màu biển kiểm soát riêng cho xe kinh doanh vận tải.
Giải pháp này có thể nhận diện xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân để từ đó tăng cường áp dụng công nghệ như sử dụng camera phân luồng phương tiện từ xa.
Tiến tới cơ quan chức năng có thể quy định tốc độ tối đa, làn đường cho từng loại xe, giúp giảm ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN cũng cho rằng, tại các nước như: Hàn Quốc, Singapore... xe kinh doanh vận tải được quy định màu biển số riêng, xe taxi và xe tương tự phải gắn hộp đèn, phù hiệu và được đăng kiểm riêng.
Cũng theo ông Quyền, gần đây, loại hình kinh doanh vận tải bằng phương tiện dưới 9 chỗ, hoạt động như taxi, phát triển ồ ạt tại nhiều tỉnh, thành.
Các phương tiện này không khác với xe cá nhân vì không có mào, không có logo thương hiệu nên khi đi vào đường cấm taxi, đón khách sai quy định tại sân bay thì cảnh sát giao thông khó phát hiện.
Do đó, nếu chuyển xe kinh doanh vận tải sang biển màu vàng kết hợp với tem đăng kiểm màu riêng thì lực lượng chức năng cũng như người dân dễ dàng nhận biết phương tiện kinh doanh vận tải hay không.