
Một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện do VEC vận hành khai thác.
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký Tờ trình số 162/TTr - BTC gửi Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ năm 2025 cho Công ty mẹ - VEC theo Nghị quyết số 191/2025/QH15 của Quốc hội.
Cụ thể, Bộ Tài chính trình Thủ tướng xem xét quyết định phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ năm 2025 cho Công ty mẹ - VEC là 37.503,536 tỷ đồng, bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước là 36.689,381 tỷ đồng và Quỹ Đầu tư phát triển là 814,155 tỷ đồng.
Mức vốn điều lệ xác định lại năm 2025 của Công ty mẹ - VEC sau khi được đầu tư bổ sung là 38.618,662 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, việc tăng vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC từ nguồn vốn đầu tư công đã giao kế hoạch cho Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) để đầu tư dự án và đã giải ngân đầu tư xây dựng 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư (bao gồm: 10.062 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước; 24.127 tỷ đồng vốn ODA tại các dự án thực hiện theo hình thức chuyển vốn vay về cho vay lại thành cấp phát ngân sách nhà nước; 2.500 tỷ đồng vốn cấp phát ngân sách nhà nước cho dự án Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình) không làm phát sinh thêm khoản chi ngân sách nhà nước và nợ công.
Vì vậy, phương án bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC không tác động trực tiếp đối với ngân sách nhà nước.
Trước đó, tại Nghị quyết số 191/2025/QH15 ngày 19/2/2025, Quốc hội đã đồng ý chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC với mức bổ sung là 38.251 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp là 1.562 tỷ đồng và nguồn ngân sách nhà nước đã giao kế hoạch cho Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) để đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư và đã được giải ngân là 36.689 tỷ đồng.
Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (tiền thân của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) được thành lập vào tháng 9/2004, với ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư, phát triển và quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia.
Hiện tại, vốn điều lệ Công ty mẹ - VEC rất thấp (1.115,13 tỷ đồng), trong khi quy mô đầu tư các dự án đường bộ cao tốc của VEC là rất lớn (khoảng 108.865 tỷ đồng, trong đó vốn vay là 56.873 tỷ đồng), tồn tại tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp, trọng yếu đến việc tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng và định chế tài chính. Kết quả là trong thời gian dài, năng lực tài chính của VEC bị hạn chế và gặp vướng mắc trong huy động vốn đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc mới cũng như tiếp tục mở rộng các dự án hiện đang khai thác.
Mức vốn điều lệ thấp được xác định là điểm nghẽn quan trọng, ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động của VEC.
Sau khi đươc bổ sung vốn điều lệ, VEC sẽ có đủ năng lực tài chính để hực hiện Dự án Bến Lức - Long Thành để hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng trong năm 2025.
Doanh nghiệp này sẽ đẩy nhanh các thủ tục điều chỉnh dự án để triển khai thực hiện hoàn thành các hạng mục còn lại của tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong năm 2025; triển khai thực hiện đầu tư mở rộng tuyến Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình; mở rộng đoạn Long Thành - Dầu Giây (VEC thu xếp và huy động vốn đầu tư công trình) và tham gia đầu tư mở rộng lên quy mô quy hoạch một số phân đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông.