Đa số công nhân đều không muốn nâng tuổi nghỉ hưu

Đa số công nhân đều không muốn nâng tuổi nghỉ hưu

Đề xuất tăng tuổi hưu bị phản ứng dữ dội

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá XIII, tiếp tục bị phản ứng dữ dội.

Kéo dài tuổi nghỉ hưu là vấn đề được đưa ra thảo luận từ vài năm nay, song chính Ban soạn thảo Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng không nghĩ là sẽ vấp phải sự phản ứng khá dữ dội từ nghị trường Quốc hội, cũng như các chuyên gia khi đưa đề xuất trên vào Dự thảo. Có vẻ như chính lý do “tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng lại giảm mức phần trăm hưởng lương hưu để cứu Quỹ BHXH trước nguy cơ cạn kiệt” đã dẫn đến những phản ứng gay gắt. Quy định này đã dồn hết trọng trách lên vai người lao động. 

Lương hưu thấp, lao động sống bằng gì?

Nói như Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng, thì “người lao động đã chịu quá nhiều thiệt thòi, các nhà làm luật hãy đặt mình vào vị trí của người lao động yếu thế sẽ thấy xót xa như thế nào”. Theo ông, tuyệt đại đa số công nhân đều không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu. Việc Quỹ BHXH mất cân đối thu - chi một phần do không quản lý tốt bởi có tới 50% doanh nghiệp không tham gia đóng BHXH cho người lao động, do quản lý đầu tư Quỹ kém hiệu quả, chi phí quản lý quá tốn kém… Điều 90, Bộ Luật Lao động quy định rằng, mức đóng BHXH dựa trên tiền lương và các loại phụ cấp khác. “Luật BHXH là nhánh của Bộ Luật Lao động, đáng lý ra phải tuân thủ, nhưng Ban soạn thảo không quy định lấy lương thực lĩnh để làm căn cứ đóng BHXH, mà vẫn giữ mức đóng căn cứ dựa trên lương ghi trong hợp đồng”, ông Tùng đặt vấn đề.

Phí quản lý tăng 24%, tỷ suất sinh lời chỉ 7,3%

Liên quan đến vấn đề hiệu quả và chi phí quản lý quỹ, ông Tùng cho biết, hiệu quả đầu tư sinh lời từ tiền kết dư quỹ thời gian qua thấp, nhưng chi phí quản lý lại chiếm tới 3% là quá cao.

Về vấn đề này, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội còn cung cấp cho phóng viên Báo Đầu tư những con số rất cụ thể. Theo đó, từ năm 1995-2013, tỷ suất sinh lời vốn đầu tư từ kết dư Quỹ BHXH chưa đạt bình quân 7,3%/năm, nếu trừ đi chi phí quản lý còn thấp hơn. Trong khi đó, từ năm 2007-2013, chi phí quản lý của Quỹ BHXH đã tăng gấp 5 lần. Số tuyệt đối năm 2007 là 815 tỷ đồng và năm 2013 lên tới 3.718 tỷ đồng, bằng 3% tổng nguồn thu. Như vậy, trong năm 2013, chi phí cho bộ máy quản lý Quỹ BHXH đã tăng tới 24%.

Một bất hợp lý nữa là trong Dự thảo còn đề xuất lao động phải đóng đủ 20 năm BHXH thì mới được hưởng 45% tiền lương bình quân thay vì 15 năm như hiện nay.

Ông Minh tính toán, một cử nhân ra trường có lương bậc 1 là 2,34 và cứ sau 3 năm tăng một bậc, lương cơ sở không điều chỉnh, lãi suất tiền gửii ngân hàng 6%/năm thì sau 30 năm đóng bảo hiểm, đáng ra cử nhân này được hưởng lương hưu 4,4 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế họ chỉ được nhận 2,85 triệu đồng/tháng (với nam) và 3,3 triệu đồng/tháng đối với nữ.

Trường hợp cử nhân này không tham gia BHXH, mà đem số tiền trên gửi ngân hàng, thì sau 30 năm, họ được hưởng lãi suất 4 triệu đồng/tháng, chưa kể việc sẽ nhận lại gần 809 triệu đồng số tiền đã gửi. “Tính toán ở trên cho thấy, ngay cả việc giữ nguyên tuổi nghỉ hưu và tính lương hưu như hiện nay, người lao động đã bị thiệt rất lớn”, ông Minh kết luận.

Phản biện có thuyết phục?

Phản biện về hiệu quả và phí quản lý quỹ, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh cho rằng, con số 24% tăng chi phí quản lý năm 2013 là gồm nhiều khoản, không phải chỉ cho bộ máy. Về hiệu quả đầu tư thấp, bà Minh lý giải là do BHXH là quỹ an sinh nên bên cạnh hiệu quả sinh lời còn phải đảm bảo an toàn quỹ. Hơn nữa, tỷ lệ sinh lời từ đầu tư kết dư Quỹ thấp là do lãi suất bình quân giai đoạn 2007-2012 chỉ 9,5%/năm, CPI bình quân 13,2%/năm, mức điều chỉnh lương hưu bình quân là 15,2%/năm.

Tuy nhiên, có vẻ như bà Minh “quên” không nhắc đến kết quả kiểm toán Quỹ BHXH đến hết 31/12/2011 của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, Quỹ BHXH cho Công ty cho thuê tài chính vay 700 tỷ đồng, tính lãi đến hết năm 2012 đã lên tới 1.052 tỷ đồng, song rất khó thu hồi khoản tiền này. Cũng không thể không nhắc đến số tiền BHXH mà các doanh nghiệp đang nợ, chiếm dụng của người lao động (hiện ở mức kỷ lục 12.500 tỷ đồng) cùng khoảng 5 triệu lao động thuộc diện bắt buộc nộp BHXH mà cơ quan BHXH không quản lý được. Đó còn là sự chênh lệch khi lấy tiền lương trên hợp đồng thay vì lương thực lĩnh làm căn cứ đóng BHXH, bởi riêng việc này đang khiến BHXH thất thu khoảng 84.000 tỷ đồng mỗi năm!

Tin bài liên quan