Đóng gói nhân điều xuất khẩu tại Công ty LAFOOCO. Ảnh minh họa: Minh Hưng/TTXVN

Đóng gói nhân điều xuất khẩu tại Công ty LAFOOCO. Ảnh minh họa: Minh Hưng/TTXVN

Đề xuất sửa đổi miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Bộ Công Thương, sau gần 4 năm tổ chức thực thi Thông tư 37/2019/TT-BCT là văn bản quy phạm pháp luật giúp Cục Phòng vệ thương mại và Bộ Công Thương có cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc xử lý các hồ sơ đề nghị và việc quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại một cách kịp thời, hợp lý, đúng quy định, bảo đảm hiệu quả của biện pháp trên thực tế.

Thế nhưng, trong quá trình rà soát nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại nói chung và Thông tư 37/2019/TT-BCT nói riêng, một số vấn đề cần sửa đổi trong quy định về việc quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại Thông tư 37/2019/TT-BCT để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Cụ thể, quy định tại Điều 10 Thông tư 37/2019/TT-BCT, Bộ Công Thương xem xét việc miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo 6 trường hợp; trong đó, có trường hợp: "Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước".

Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra hiện tượng một số doanh nghiệp viện dẫn quy định này để nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ. Trong khi đó, hầu hết các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, ngành sản xuất trong nước không thể đáp ứng được 100% nhu cầu trong nước.

Sự thiếu hụt này vẫn có thể được bù đắp từ các nguồn nhập khẩu không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng nếu từ chối miễn trừ, doanh nghiệp đề nghị miễn trừ có thể có ý kiến thắc mắc. Vì vậy, cần loại bỏ quy định xem xét miễn trừ trong trường hợp hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước.

Về thành phần hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã được quy định tại Điều 14 Thông tư 37/2019/TT-BCT. Đây là căn cứ để Cơ quan điều tra thẩm định, tính toán và xác định được lượng hàng hóa nhập khẩu được hưởng miễn trừ trên cơ sở năng lực sản xuất và định mức sử dụng nguyên vật liệu do doanh nghiệp cung cấp theo một phương pháp thống nhất. Tuy vậy, để Cơ quan điều tra thẩm định và xác minh chính xác lượng nhập khẩu được miễn trừ theo đúng nhu cầu, Cơ quan điều tra cần thêm một số thông tin như báo cáo xuất nhập tồn, hợp đồng thuê đất, thuê nhà xưởng, báo cáo thuế.

Những thông tin này chưa được liệt kê cụ thể trong thành phần hồ sơ. Các thành phần hồ sơ cụ thể này là yêu cầu thực tế khi tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp từ trước đến nay của các đoàn thanh tra, kiểm tra sau miễn trừ, làm căn cứ để đưa ra kết luận thanh tra, kiểm tra. Do đó, thành phần hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cần được quy định chi tiết hơn để các doanh nghiệp có thể tuân thủ một cách dễ dàng. Ngoài ra, Thông tư 37/2019/TT-BCT đang quy định thành phần hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thiếu cụ thể, tách bạch để cá nhân, tổ chức đề nghị miễn trừ có thể hiểu rõ nghĩa vụ cung cấp đầy đủ các tài liệu, thông tin trong hồ sơ.

Thực tế nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ cho thấy cá nhân tổ chức đề nghị thường nộp thiếu thành phần hồ sơ do hiểu không đúng về danh mục, thành phần hồ sơ. Thông tư sửa đổi bổ sung đề xuất quy định nhằm làm rõ và chi tiết các đầu mục hồ sơ cần cung cấp, là tài liệu, hồ sơ bắt buộc, có sẵn của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thủ tục miễn trừ, không làm mất thời gian, phiền hà cho doanh nghiệp, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Bộ Công Thương cho biết, hiện tại, việc hậu kiểm cần phải được sử dụng thường xuyên và chặt chẽ. Kinh nghiệm trong thanh tra, kiểm tra nói chung của hầu hết các quốc gia tiên tiến cho thấy hậu kiểm sẽ phát huy được việc tuân thủ pháp luật ở mức độ cao nhất, tăng tính nghiêm minh và loại bỏ được các hành vi gian dối của các đối tượng kiểm tra.

Việc các đối tượng khai báo để xin hưởng miễn trừ là cơ sở phản ánh để việc tuân thủ pháp luật, tính trung thực của đối tượng và là căn cứ cho cơ quan kiểm tra tiến hành hậu kiểm. Quy định Cơ quan điều tra trong quá trình thực hiện kiểm tra có thẩm quyền đánh giá, tính toán thực tế định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong sản xuất, gia công và biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau sau sản xuất, gia công.

Thực tế kiểm tra sau miễn trừ thời gian qua cho thấy nhiều doanh nghiệp không tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Thông tư 37/2019/TT-BCT nhưng thủ tục kiểm tra sau miễn trừ và chế tài xử lý vi phạm theo Thông tư này chưa cụ thể và chưa đủ giáo dục và răn đe. Do đó, cần bổ sung chế tài tương ứng với việc không tuân thủ/tuân thủ không đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định, sẽ thiết kế các chế tài.

Chẳng hạn như thu hồi quyết định hưởng miễn trừ, không xem xét cho tiếp tục hưởng miễn trừ trong thời gian cụ thể hoặc cho đến khi biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng chấm dứt, yêu cầu cơ quan hải quan truy thu thế đối với một phần/toàn bộ hàng hóa đã được hưởng miễn trừ.

Về thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại quy định về thời hạn miễn trừ tại Thông tư 37/2019/TT-BCT hiện nay, Bộ Công Thương nêu rõ có thể gây hiểu lầm trong một số trường hợp khi giải thích về câu chữ.

Bộ Công Thương hàng năm xem xét thời hạn miễn trừ đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm kiểm soát hiệu quả tổng thể của biện pháp phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, tôn chỉ, mục đích của biện pháp phòng vệ thương mại là bảo vệ và khuyến khích ngành sản xuất trong nước phát triển, giảm lệ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Việc miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có thời hạn 12 tháng, không giới hạn số lần để nghị cấp miễn trừ bổ sung trong khi tổng thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không thay đổi.

Điều này đặt ra yêu cầu làm rõ quy định về thời hạn miễn trừ, trong đó thống nhất khoảng thời gian tối đa cho 1 cấp miễn trừ căn cứ theo hồ sơ đề nghị miễn trừ của doanh nghiệp và không giới hạn số lần cấp miễn trừ bổ sung. Theo đó nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như bảo đảm hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại trên thực tế.

Ngoài một số sửa đổi, bổ sung nêu trên, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 37/2019/TT-BCT cũng điều chỉnh sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ nhằm thống nhất cách thức quy định về một vấn đề, một đối tượng chung trong một điều khoản mà không làm thay đổi bản chất hay phát sinh quyền và nghĩa vụ tương ứng.

Bộ Công Thương nêu rõ, việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 37/2019/TT-BCT nhằm mục đích đảm bảo thi hành các quy định tại Nghị định 10 và khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy định hiện hành.

Kế thừa những quy định còn phù hợp, tiên tiến và áp dụng trong thực tiễn có hiệu quả của Thông tư 37/2019/TT-BCT, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động miễn trừ áp dung biện pháp phòng vệ thương mại và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Thông tư 37/2019/TT-BCT.

Bên cạnh đó, tạo lập khung khổ pháp lý toàn diện, hợp lý, khả thi nhằm đảm bảo cho công tác miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đúng pháp luật, đạt hiệu quả, chất lượng, góp phần hữu hiệu vào công cuộc đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật phòng vệ thương trong bối cảnh thực tiễn.

Tin bài liên quan