Theo đó, cơ quan này đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến tái cơ cấu DNNN; khẩn trương nghiên cứu trình Hội nghị Trung ương (khóa XII) về mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước trên cơ sở tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu; đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (thuộc diện chuyển giao) thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); tổng kết, đánh giá về thí điểm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc UBND TP. HCM.
Theo kết quả công bố về kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 được Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội, tình hình tiến độ tái cơ cấu các DNNN chưa đáp ứng được yêu cầu so với kế hoạch. Cụ thể, tính đến đầu năm 2015 có 319 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp được sắp xếp lại, đạt 52% kế hoạch; trong đó cổ phần hóa 260 doanh nghiệp; sáp nhập, hợp nhất 34 DN; giải thể 9 DN; phá sản 6 DN; bán, giao 6 doanh nghiệp. Số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo giá trị sổ sách đã được thoái là 11.329 tỷ đồng, thu về 16.346 tỷ đồng, bằng 1,4 lần giá trị sổ sách, trong đó lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thoái được 4.886 tỷ đồng, thu về 5.493 tỷ đồng.