Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trên thực tế, cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, địa phương giải ngân tốt, nhưng có bộ, địa phương giải ngân rất thấp.
Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm
Ngay sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm, cũng như tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; và việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh xu hướng hồi phục tích cực của nền kinh tế trong quý đầu năm.
Tuy nhiên, liên quan đến tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, “vẫn còn chậm”.
Số liệu cụ thể, theo Bộ trưởng, đến ngày 30/3, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao chi tiết là trên 466.000 tỷ đồng, đạt 90% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Như vậy, số vốn còn lại chưa phân bổ là khoảng 10%. Vẫn còn 13/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022, với số vốn trên 51.982 tỷ đồng.
“Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ, cơ quan và địa phương đang hoàn thiện thủ tục đầu tư cho các dự án vừa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ước thanh toán đến ngày 31/3/2022 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (13,17%). Trong đó, vốn trong nước đạt 12,66% kế hoạch; vốn nước ngoài đạt 0,99% kế hoạch.
Đến nay, còn 29 bộ, cơ quan chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022. Có 4 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%, trong đó một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%.
Tuy nhiên, có 46/51 bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân của cả nước (11,88%), trong đó 29 bộ, cơ quan chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022.
“Theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, lý do giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra là do có một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, thương thảo hợp đồng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, việc giải ngân chậm là do trách nhiệm của các chủ đầu tư, một số bộ, cơ quan và địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn.
Theo Bộ trưởng, trên thực tế, cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, địa phương giải ngân tốt, nhưng có bộ, địa phương giải ngân rất thấp.
Một nguyên nhân khác cũng được chỉ ra khiến giải ngân chậm, đó là giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng… tăng làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại, thi công theo kiểu “cầm chừng” để chờ giảm giá vì nếu thi công các nhà thầu sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.
Phê bình các bộ ngành, địa phương chưa phân bổ vốn và giải ngân chậm
Xác định nguyên nhân chủ quan là cơ bản, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị biểu dương 4 cơ quan trung ương và 5 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch, đồng thời có tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm trên 25%.
Bên cạnh đó, phê bình 13/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương đến ngày 30/3/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2022 được giao và 29 bộ, cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.
“Các bộ, địa phương này cần nghiêm túc tự kiểm điểm, chỉ ra hạn chế, bất cập, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, xem xét các tổ chức, cá nhân còn trì trệ có biện pháp xử lý phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương phải coi việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, đồng thời có các giải pháp quyết liệt ngay để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn…
“Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chậm giải ngân, gây lãng phí”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Thông tin cho biết, ngay sau khi nhận văn bản của Bộ Y tế, đơn vị cuối cùng đề xuất dự án cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình.
Đồng thời, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, cũng như đề xuất của các bộ, cơ quan và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang hoàn thiện phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4.
Việc rà soát, điều chuyển vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sẽ được thực hiện đối với các đơn vị đến hết ngày 31/3/2022 chưa phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 được giao; đến hết ngày 31/5/2022 chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao (tỷ lệ giải ngân 0% kế hoạch); và đến hết ngày 31/5/2022 chưa làm thủ tục thanh toán toàn bộ số vốn ứng trước và nợ đọng xây dựng cơ bản được giao trong năm 2022.