Một đoạn kênh Mương Khai qua Long Xuyên, An Giang.

Một đoạn kênh Mương Khai qua Long Xuyên, An Giang.

Đề xuất nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền nối sông Tiền và sông Hậu, vốn 2.276 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Tổng mức đầu tư dự kiến để triển khai Dự án nâng cấp tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu là 2.276 tỷ đồng.

Ban quản lý các dự án đường thủy vừa có đề xuất gửi Bộ GTVT về Dự án nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu.

Cụ thể, Ban quản lý các dự án đường thủy đề nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét chấp thuận thực hiện đầu tư Dự án nâng cấp tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu.

Dự án này có mục tiêu nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền đạt chuẩn tắc luồng tàu kênh cấp III - đường thủy nội địa; xây dựng kè bảo vệ bờ để gia cố, chống sạt lở phù hợp với mục tiêu chống biến đổi khí hậu tại các khu vực dân cư, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến kênh.

Bên cạnh đó, Dự án còn tiến hành nâng cấp hệ thống cầu trên tuyến để đảm bảo tĩnh không thông thuyền và tải trọng khai thác; xây dựng hoàn trả, nâng cấp hệ thống cầu, đường dân sinh; lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu đường thủy để khai thác đồng bộ, đảm bảo an toàn trên tuyến.

Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến là 2.276,68 tỷ đồng, trong đó 2 khoản chi phí lớn nhất là chi phí xây dựng 1.268,66 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 498,58 tỷ đồng. Công trình dự kiến được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương (nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, nguồn dự phòng, nguồn tiết kiệm và các nguồn khác).

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án sẽ tổ chức đấu thầu xây lắp vào cuối năm 2023, năm 2024 cơ bản hoàn thành công tác xây dựng.

Tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền có vị trí chiến lược, với cự ly kết nối ngắn nhất giữa sông Tiền với sông Hậu (chiều dài khoảng 20,8km). Nếu được đầu tư nâng cấp, tuyến kênh sẽ rút ngắn được khoảng cách lưu thông giữa sông Tiền và sông Hậu là 37km và 45km từ TP.HCM đi các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau) và ngược lại.

Việc thực hiện đầu tư Dự án còn sẽ giảm bớt lưu lượng phương tiện vận tải đường thủy hiện đang quá tải qua kênh Lấp Vò - Sa Đéc. Đây là tuyến kênh hiện đang đảm nhận vai trò vận tải đường thủy nội địa chủ yếu giữa khu vực cảng Sa Đéc - cảng Cần Thơ - đi TP.HCM với lưu lượng hàng hóa thông qua năm 2019 khoảng 27,41 triệu tấn và 159.007 lượt phương tiện.

Ngoài ra, sau khi đầu tư nâng cấp Dự án sẽ góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (nước biển dâng, hiện tượng sạt lở và xâm nhập mặn) đối với các khu vực nông nghiệp, trồng cây ăn trái, hoa màu trọng điểm nằm dọc tuyến kênh; tăng cường khả năng tiêu thoát lũ trong khu vực và góp phần cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, kết hợp việc chỉnh trang đô thị khu vực thành phố Sa Đéc, tăng cường kết nối các phương thức vận tải trong khu vực tỉnh Đồng Tháp và khu vực ĐBSCL.

Tin bài liên quan