Ngành Công an đang sử dụng mô tô chữa cháy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị nhân rộng mô hình này ra cả nước.
Tại phiên thảo luận hội trường chiều 27/6 về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) có phát biểu đáng chú ý khi đề xuất dùng ngân sách mua máy bay sử dụng vào nhiệm vụ chữa cháy.
Theo đại biểu, yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ, dập tắt đám cháy là phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phải thể hiện rõ hành động dũng cảm, quyết đoán trong điều kiện môi trường rất khắc nghiệt, có mức độ nguy hiểm, rủi ro rất cao với mục tiêu tối thượng là phải bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và tài sản của Nhà nước.
Muốn vậy, một trong những vấn đề quan trọng cần đảm bảo là lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện cần thiết để kịp thời cứu người bị nạn, cứu tài sản, dập tắt đám cháy khi có tình huống xảy ra.
Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định rõ trong dự án luật các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Trước hết là quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời, cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư, trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại hiện có trên thế giới nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn, cứu tài sản dập tắt đám cháy, kể cả việc trang bị phương tiện là máy bay để phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) |
Theo Báo cáo của Bộ Công an thì phương tiện thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được trang bị hiện nay còn thiếu, lạc hậu và kém chất lượng, chưa đáp ứng với yêu cầu và tình hình thực tiễn đang diễn ra.
"Về vấn đề này, theo tôi Nhà nước cần phải có ngay các chính sách phù hợp để giải quyết, xử lý trong thời gian sớm nhất", ông Thanh nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho hay, theo Thông tư 150/2020 của Bộ Công an thì danh mục phương tiện, thiết bị, công cụ phòng cháy chữa cháy không có dụng cụ cắt sắt cầm tay dùng pin sạc.
Trước đây, công cụ pin sạc chưa phổ biến nên chúng ta chưa trang bị cho lực lượng cứu nạn để cắt sắt, nhưng bây giờ thì dụng cụ pin sạc rất thông dụng, gọn nhẹ hơn rìu cứu nạn, xà beng, búa tạ, kìm cộng lực... Đặc biệt là đối với nhà dân có lắp khung sắt, chuồng cọp thì dụng cụ này cắt khung sắt giải cứu cứu người dân rất nhanh, đôi khi rìu cứu nạn, xà beng, búa tạ, kìm cộng lực không thể cắt được khung sắt mà chỉ có công cụ này mới cắt được.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung dụng cụ cắt sắt cầm tay dùng pin sạc trong danh mục trang bị cho lực lượng chữa cháy. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm mặt nạ chống khói, áo choàng chống cháy vào danh mục hỗ trợ để đưa người bị nạn ra ngoài an toàn hơn.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, thực tiễn hiện nay ở các đô thị có quá nhiều ngõ hẻm mà các phương tiện chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận khu vực xảy cháy. Nhận thấy bên ngành Công an có nhập một số xe mô tô chữa cháy, một số đơn vị của ngành cũng sáng chế xe máy thành những xe mô tô chữa cháy có tác dụng tương tự để có thể tiếp cận các khu vực có cháy trong hẻm nhỏ, hẻm sâu; ông Cảnh đề nghị nghiên cứu để trang bị phương tiện chữa cháy mô tô cho các lực lượng chữa cháy.
"Mô tô chữa cháy cũng chở được máy phát điện, máy bơm chữa cháy khiêng tay, bình chữa cháy xách tay, vòi chữa cháy, cưa sắt và thiết bị phá dỡ, điều này cũng giúp hạn chế cháy lây lan, giúp cho người bị nạn có nhiều cơ hội thoát nạn hơn", đại biểu phân tích.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) |
Vấn đề là nước cung cấp cho mô tô chữa cháy lấy ở đâu? Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói rằng, hiện tại, Hà Nội đang có kế hoạch lắp đặt các trụ cung cấp nước ở các hẻm nhỏ, trụ này nếu kết hợp với mô tô chữa cháy sẽ nâng cao hiệu quả chữa cháy ở các nơi mà phương tiện chuyên dụng không tiếp cận được hoặc tới chậm.
Mô hình này nếu hiệu quả sẽ nhân rộng ra cả nước. Đối với những địa phương chưa có kế hoạch làm các trụ cấp nước chữa cháy ở các hẻm nhỏ thì có thể 200m sẽ trích một đầu cấp nước cho nhà dân ở bên ngoài để phục vụ cho xe mô tô chữa cháy.
Ngoài ra, đại biểu cũng nhận định, hiện nay nhiều công trình hiện hữu có nguy cơ cháy nổ mà không thuộc diện phải lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy thì chúng ta có thể đưa ra quy định thay thế là phải đáp ứng yêu cầu về thoát nạn.
Ví dụ một người bình thường có thể nín thở 60 giây, vậy nếu tất cả các vị trí trong công trình đó khi xảy ra sự cố mà mọi người có thể thoát ra ngoài an toàn 60 giây thì xem như đạt tiêu chuẩn về thoát nạn và được tiếp tục hoạt động.
Nội dung cuối cùng ông Cảnh muốn góp ý là chúng ta đang sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, nên bổ sung các thiết bị, sản phẩm về phòng cháy, chữa cháy vào danh mục chịu thuế suất 5% để ưu tiên khuyến khích đầu tư vì đây là sản phẩm dùng để cứu người.