Đề xuất mở rộng các sản phẩm du lịch biên giới và xuyên biên giới Việt - Trung

0:00 / 0:00
0:00
Để phát triển du lịch 2 nước Việt Nam – Trung Quốc, đại diện Sở Văn hóa Du lịch tỉnh Vân Nam đề xuất tăng cường phát triển, mở rộng các sản phẩm du lịch biên giới và xuyên biên giới Việt – Trung…
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại phiên thảo luận.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại phiên thảo luận.

Đó là thông tin được chia sẻ tại phiên thảo luận chuyên đề với chủ đề: Văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), lần thứ 10 năm 2023, do TP. Hà Nội đăng cai tổ chức, ngày 13/11.

Hoàn thiện tour du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia, sáu điểm đến”

Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, theo thống kê, khách du lịch qua lại giữa hai nước xu hướng ngày càng tăng. Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của du lịch Việt Nam, chiếm tỉ lệ cao (trung bình khoảng 30%) trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Năm 2019, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt gần 6 triệu lượt, tăng 16,9% so với năm 2018. Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, năm 2019, lượng khách du lịch Trung Quốc (có lưu trú) đến đạt gần 0,8 triệu lượt, chiếm 16% tổng khách quốc tế đến Hà Nội. Trong 10 tháng năm 2023, lượng khách du lịch Trung Quốc (có lưu trú) đến đạt gần 210.000 lượt, chiếm gần 10% tổng lượng khách quốc tế đến Hà Nội.

Cũng theo bà Đặng Hương Giang, Việt Nam là một trong 5 thị trường nước ngoài gửi nhiều khách tới Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, năm 2019, có gần 8 triệu lượt khách Việt Nam đến Trung Quốc bao gồm cả khách du lịch trong ngày xuất biên nhập biên.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, trao đổi khách du lịch giữa hai nước bị ngưng trệ. Trung Quốc áp dụng mở cửa trở lại cho phép đón khách du lịch quốc tế từ ngày 8/1/2023 và với nỗ lực hợp tác từ hai bên, Trung Quốc đã bổ sung Việt Nam vào danh sách thí điểm trên từ ngày 15/3/2023. Theo đó, 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón gần 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc đến tham quan du lịch.

Nhằm khai thác hiệu quả hợp tác song phương tương xứng với tiềm năng sẵn có hai bên, việc tăng cường thúc đẩy, làm sâu sắc, hiệu quả thiết thực hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành phố dọc hành lang kinh tế giữa hai bên là vô cùng cần thiết.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề nghị, hai bên tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thuộc các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho khách du lịch đi lại giữa hai nước; tăng cường phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch chung thông qua mời các đoàn doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, báo chí hai bên tham quan khảo sát các điểm đến du lịch; tham dự hội chợ, hội thảo du lịch chuyên đề do các tỉnh, thành phố hai bên tổ chức.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề nghị, hai bên tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thuộc các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề nghị, hai bên tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thuộc các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế.

Đặc biệt, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề nghị các địa phương tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch; hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch về quản lý, điều hành du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung Quốc và tiếng Việt Nam; trong đó, trọng tâm là nghiên cứu hoàn thiện và triển khai chương trình (tour) du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia, sáu điểm đến”.

“Thành phố Hà Nội cam kết chủ động, tích cực tham gia vào các chương trình quảng bá du lịch đối ứng với hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế khác, trong đó, sẽ nghiên cứu để báo cáo UBND thành phố Hà Nội tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc”, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Đề xuất mở rộng các sản phẩm du lịch biên giới và xuyên biên giới

Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển du lịch, ông Dư Kiếm Minh, Sở Văn hóa Du lịch tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho biết, từ đầu năm nay, tỉnh Vân Nam đã tổ chức một đoàn tiến hành trao đổi, nghiên cứu tại tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp hai bên đã ký “Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch” để tăng cường hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến du lịch trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh.

Đơn vị cũng tham gia cuộc họp lần thứ ba cơ chế họp thường niên Bí thư Tỉnh ủy giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Việt Nam và cuộc họp lần thứ 9 của Tổ công tác chung giữa tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Việt Nam nhằm quảng bá thực tế Vân Nam và Hà Giang, Việt Nam.

Để phát triển du lịch 2 nước, đại diện Sở Văn hóa Du lịch tỉnh Vân Nam đề xuất tăng cường nỗ lực phát triển dòng sản phẩm, mở rộng các sản phẩm du lịch biên giới và xuyên biên giới dựa trên cách bố trí không gian và lợi thế tài nguyên bổ sung.

Đồng thời, 2 bên cùng nỗ lực quảng bá và quảng bá chung sử dụng nhiều nền tảng triển lãm và lễ hội khác nhau để cùng tổ chức và thực hiện các hoạt động tiếp thị du lịch, cùng triển khai nhiều tuyến và sản phẩm du lịch, thực hiện xúc tiến tiếp thị các điểm đến du lịch của nhau và mở rộng du lịch xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính du lịch văn hóa của tất cả các bên nên thiết lập cơ chế liên lạc thường xuyên, tăng cường sắp xếp và phối hợp công việc, cùng nghiên cứu và giải quyết các vấn đề tồn tại trong trao đổi và hợp tác giữa hai bên, khám phá các kế hoạch hợp tác và trao đổi bước tiếp theo, đồng thời cùng tạo ra mối quan hệ tốt đẹp.

Ngoài ra, các địa phương hai nước cùng nhau xây dựng vòng tròn du lịch Lancang-Mekong. Dựa vào đường cao tốc Côn Minh - Bangkok, đường sắt Trung Quốc - Lào, đường thủy Lancang - Mekong, đường cao tốc và đường sắt Bờ Tây Thái Bình Dương, đường sắt Vân Nam - Việt Nam, đường cao tốc Kunhe và các kênh đường thủy và đường bộ quốc tế khác để tạo thành một tuyến khép kín, hỗ trợ mở rộng đa tuyến; định hướng kết nối sản phẩm tuyến du lịch cho các bên, đồng thời khuyến khích các bang, thành phố dọc tuyến Vân Nam, các thành phố dọc các tỉnh ở Việt Nam chủ động phục vụ và hội nhập xây dựng vòng tròn du lịch Lancang - Mekong.

Các đại biểu tham gia thảo luận cũng đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị hợp tác mới, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan, ngành hữu quan của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh, thành phố (Việt Nam) dọc tuyến hành lang kinh tế tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả và thực chất hơn nữa các nội dung và dự án hợp tác trong bối cảnh và tình hình mới.

Ông Dương Thiệu Hổ, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vân Nam phát biểu tại phiên thảo luận.

Ông Dương Thiệu Hổ, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vân Nam phát biểu tại phiên thảo luận.

Các đại biểu từ tỉnh Vân Nam cũng chia sẻ dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và sự nỗ lực vượt bậc trong triển khai các hợp tác giữa các bên, nhưng thực tế vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, năng lực của địa phương cũng như chưa đạt được nhu cầu mà hành lang kinh tế đặt ra, đồng thời đề xuất tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn, chương trình và cơ chế hợp tác cụ thể hơn nữa.

Ông Dương Thiệu Hổ, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vân Nam cho biết trong thời gian qua, tỉnh Vân Nam đã tích cực đồng hành hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh trong công tác đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng cán bộ nòng cốt, kinh nghiệm phát triển cửa khẩu, tổ chức thương nghiệp...

Trong khi đó bà Dương Hồng Quỳnh, đại diện Sở Giáo dục tỉnh Vân Nam cho biết, Sở rất coi trọng hợp tác với Việt Nam; đồng thời thông tin hiện tỉnh có 650 lưu học sinh Việt Nam, trong đó 43 sinh viên giành được học bổng chính phủ, 8 trường đại học mở chương trình dạy Tiếng Việt.

Những con số này kỳ vọng gia tăng hơn nữa trong thời gian tới, thông qua kế hoạch mở thêm các chương trình liên kết với các trường đại học Việt Nam, thường xuyên mời các giáo viên, sinh viên Việt Nam đến các diễn đàn hội thảo địa phương.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh: “Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được, thông qua việc triển khai các nội dung trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch đã được thông qua tại Hội nghị Hành lang kinh tế 5 tỉnh Việt - Trung lần thứ 9; thống nhất cơ bản với những đề xuất, kiến nghị phương hướng triển khai phù hợp với tình hình mới trong giai đoạn tiếp theo.

Những nội dung tham luận, ý kiến thảo luận được thống nhất mang tính nguyên tắc tại hội nghị sẽ được Ban Thư ký hội nghị nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu để đưa vào Biên bản Thoả thuận Hội nghị lần thứ X ký kết giữa Lãnh đạo cấp cao hai bên, làm cơ sở quan trọng để các cơ quan, sở, ngành 5 tỉnh, thành phố thuộc Hành lang kinh tế Việt - Trung triển khai trong giai đoạn tới”.

Tin bài liên quan