Để phát triển nông nghiệp bền vững, cần thu hút các nguồn lực đầu tư.

Để phát triển nông nghiệp bền vững, cần thu hút các nguồn lực đầu tư.

Đề xuất miễn thuế sử dụng đất tạo cú hích thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Một trong những mục đích kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV.

Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong tổng số 758.600 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, hiện mới có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, chỉ có khoảng 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; 96% là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

“So với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khá ít, quy mô còn hạn chế, sự phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đến năm 2030 và tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Xét về mặt kinh tế, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là biện pháp khuyến nông thông qua thuế, góp phần tạo cơ sở cho việc tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tỷ trọng lao động nông nghiệp ở nông thôn.

Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một giải pháp có tác động rất lớn, quan trọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ người dân, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn, có cơ hội đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và không để ai ở lại phía sau.

Chính sách này cũng khuyến khích tập trung sử dụng đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, tạo việc làm, từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Do đó, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến ngày 31/12/2025 được các đại biểu Quốc hội đồng tình, người dân ủng hộ và doanh nghiệp rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

“Hiệu ứng về mặt xã hội của chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển hình thức kinh tế trang trại và ứng dụng khoa học - công nghệ đã tạo ra nhiều việc làm hơn trong khu vực nông thôn, giảm áp lực lao động đi làm tại các địa phương khác hoặc xuất khẩu lao động, từ đó giúp tăng thu nhập cho lực lượng lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải, thực tế cho thấy, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay là một trong những chất xúc tác thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

“Ngoài việc đầu tư quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động tại các vùng kinh tế có điều kiện khó khăn, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ và nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Những thành quả bước đầu đã góp phần khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển nông nghiệp nước ta, trong đó có chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất, là đúng đắn”, ông Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm tra Dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 nhất trí với đề nghị của Chính phủ.

Không vi phạm các FTA

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu năm 2001 (năm đầu tiên miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp) kim ngạch xuất khẩu nông sản mới đạt 4,7 tỷ USD, thì đến năm 2010 đã đạt 19,15 tỷ USD. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt 41,3 tỷ USD, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để có thể tận dụng được thuận lợi trong xu thế thương mại tự do, đòi hỏi sản xuất nông nghiệp Việt Nam phải được phát triển bền vững, năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được coi là một trong những giải pháp hiệu quả nhất. Giải pháp này cũng đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng như một kênh hỗ trợ nông dân và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

“Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp của Việt Nam phù hợp với cam kết khi trở thành thành viên WTO, không vi phạm các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Vì vậy, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi  thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tiếp tục duy trì miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc sử dụng chính sách thuế như công cụ tài chính góp phần khuyến khích phát triển nền sản xuất nông nghiệp, không nhằm mục đích trực tiếp cắt giảm chi phí hay mang lại lợi thế trực tiếp cho ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam, không được xem là trợ cấp chính phủ nhằm ưu đãi cho sản phẩm nội địa nên không vi phạm các cam kết quốc tế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu.

Tin bài liên quan