Bộ Công an vừa công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.
Kẽ hở
Theo Bộ Công an, sau hơn 4 năm triển khai Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh; đáp ứng yêu cầu cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và hội nhập quốc tế.
Tuy vậy cũng đã phát sinh một số vấn đề trong thực tế chưa được điều chỉnh trong luật. Một số quy định của luật chưa đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan mới được ban hành nên cần phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bộ Công an ví dụ như quy định thị thực không được chuyển đổi mục đích nhằm tránh tình trạng người nước ngoài lợi dụng thị thực du lịch để thực hiện các mục đích khác (nhất là lao động phổ thông tại các dự án trong giai đoạn xây dựng do nhà thầu nước ngoài thi công).
Thực tế áp dụng cho thấy, đối với trường hợp người nước ngoài được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc sau đó được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép lao động nếu yêu cầu xuất cảnh để làm lại thủ tục cấp thị thực sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức nên cần nghiên cứu, bổ sung một số trường hợp được chuyển đổi thị thực.
Hay như quy định người nước ngoài có giấy chứng nhận đầu tư, góp vốn cho doanh nghiệp thì được cấp thị thực, thẻ tạm trú (ĐT) có thời hạn không quá 5 năm. Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều người nước ngoài, doanh nghiệp lợi dụng quy định này để đề nghị cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú để hợp thức việc ở lại lâu dài tại Việt Nam không đúng mục đích đầu tư như: góp số vốn nhỏ (thậm chí có những trường hợp chỉ góp dưới 10 triệu đồng) vào doanh nghiệp, mở cửa hàng cắt tóc, bán phở... Do vậy, cần sửa đổi quy định cấp thị thực ĐT cho nhà đầu tư để tránh lợi dụng.
Đảo Phú Quốc, Kiên Giang.
Lấy ý kiến trong 2 tháng
Chính vì thế, Bộ Công an đã đề xuất sửa đổi một số nội dung cơ bản. Trong đó bổ sung các quy định về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trên cơ sở các quy định hiện hành về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử từ ngày 1/2/2017 đến nay (dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4). Luật hóa việc áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3).
Bổ sung quy định cấp thị thực tập thể cho đoàn khách nước ngoài quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch và thành viên tàu quân sự nước ngoài vào Việt Nam theo chương trình hoạt động chính thức ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu thuyền neo đậu.
Sửa đổi, bổ sung quy định về việc chuyển đổi thị thực cho các trường hợp người nước ngoài có: Giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam; Giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với người bảo lãnh; Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc hoặc vào bằng thị thực điện tử và đã có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Sửa đổi quy định về điều kiện nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực theo hướng không quy định lần nhập cảnh sau phải cách lần xuất cảnh trước ít nhất 30 ngày.
Bổ sung đối tượng hộ kinh doanh, nhà thầu được mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Sửa đổi quy định cấp chứng nhận tạm trú bằng thời hạn thị thực (kể cả đối với thị thực có thời hạn trên 12 tháng).
Dự thảo luật đề xuất giao Chính phủ quy định việc người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh qua Cổng kiểm soát tự động tại cửa khẩu.
Toàn văn dự thảo luật được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (http://bocongan.gov.vn/van-ban/van-ban-du-thao.html) để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng.