Ngày 24/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc với các Bộ, ngành liên quan về việc rà soát, điều chỉnh danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Triển khai Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, theo đó có 36 loại phế liệu được cấp phép nhập khẩu.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải loại phế liệu nào cũng đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, hoặc chỉ đáp ứng nhu cầu rất nhỏ. Bộ TN&MT đã tiến hành rà soát, sửa đổi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, giải pháp cốt lõi để quản lý là cần tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa đối với hoạt động xuất khẩu phế liệu, giảm lượng phế liệu nhập khẩu, loại bỏ nguy cơ biến Việt Nam trở thành trung tâm tái chế chất thải, phế liệu có chất lượng thấp.
Đánh giá tác động việc sửa đổi Quyết định 73, ông Hoàng Văn Thức cho rằng, về tác động kinh tế, sẽ không làm phát sinh chi phí với nhà nước và người dân. Giải pháp này cũng sẽ giải quyết được các vướng mắc, hạn chế phát sinh trên thực tiễn về quản lý phế liệu.
Dự kiến quyết định sửa đổi Quyết định 73 sẽ nêu cụ thể việc loại bỏ những loại phế liệu không được hoặc ít được các doanh nghiệp nhập khẩu có nguồn cung cấp ở trong nước.
Cụ thể, bỏ loại phế liệu “Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi” vì đây là loại phế liệu giấy có tính chất hỗn hợp nhiều chất liệu khác nhau, được thu hồi từ nhiều nguồn khác nhau mà chưa được phân loại, cho nên thường được sử dụng để tái chế thành các loại giấy có chất lượng thấp, phát sinh nhiều chất thải và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Sửa đổi loại phế liệu “Phế liệu và mẩu vụn từ nhựa khác”, bỏ loại phế liệu có nguồn gốc từ sinh hoạt đối với tất cả các loại nhựa phế liệu.
Bỏ loại phế liệu “Xỉ hạt nhỏ” từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép.
Bỏ loại phế liệu “Thạch cao” vì loại phế liệu này hiện nay chỉ có 1 doanh nghiệp đề nghị được nhập khẩu nhưng chưa triển khai hoạt động nhập khẩu từ khi được cấp Giấy xác nhận đến nay, ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh, xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Bỏ loại phế liệu “Các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử” vì lý do loại phế liệu này không có doanh nghiệp nào đề nghị nhập khẩu cho đến nay.
Bỏ loại phế liệu “Tơ tằm mã HS 50030000" vì lý do loại phế liệu này chỉ có 1 doanh nghiệp đề nghị được nhập khẩu với khối lượng nhỏ, ngoài ra loại phế liệu này cũng có phát sinh ở trong nước, vì vậy cần khuyến khích doanh nghiệp trong nước thu mua triệt để.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Chỉ những doanh nghiệp có đủ năng lực, có kho bãi, có đủ công nghệ xử lý thì mới được cấp phép nhập khẩu phế liệu, tránh tình trạng những người sản xuất trực tiếp thì thiếu nguyên liệu, trong khi nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực lại xin nhập khẩu phế liệu về, gây thực trạng lãng phí vô cùng lớn”.
Bộ trưởng cũng khẳng định, những nhóm phế liệu kiên quyết không cho nhập là những phế liệu chưa đánh giá được hiệu quả sử dụng, không kiểm soát được chất lượng; những chủng loại đã được cấp phép nhưng nhu cầu trong nước không có; những loại đang cho nhập nhưng nguồn cung trong nước đã đáp ứng đủ như: xỉ hạt lò cao, thạch cao nhân tạo...
Đặc biệt, đối với nhà sản xuất chỉ sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sơ chế rồi xuất khẩu thì hoàn toàn không ủng hộ. "Việc nhập phế liệu về cho các nhà máy chỉ khuyến khích dùng vào việc sản xuất thương mại, sản phẩm chất lượng cao chứ không phải chỉ xử lý thô rồi tái xuất, nếu tái xuất sản phẩm thô sẽ biến Việt Nam thành nơi tập kết rác thải" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cơ chế chính sách nhập khẩu phế liệu còn quy định chưa cụ thể, thiếu chặt chẽ, còn khe hở để các tổ chức, cá nhân lợi dụng nên dẫn tình trạng còn nhiều lô hàng là phế thải, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhập khẩu vào Việt Nam. Có những lô hàng giấy tờ là hàng hóa, phế liệu nhưng thực ra là chất thải.
Để tránh sự ùn tắc, tồn đọng phế liệu tại các cảng biển, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các Bộ, ngành liên quan xem xét để cắt giảm các thủ tục hành chính, chú trọng hậu kiểm hơn tiền kiểm. Cần có cơ chế phối hợp liên ngành, Bộ Tài chính xem xét lại thông tư 23 về xử lý hàng hóa vô chủ, xử lý nhanh để đảm bảo tiến độ giải phóng phế liệu tồn đọng.