Đề xuất lắp trạm quan trắc cầu Long Biên trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng

Trải qua hơn 120 năm khai thác, do ảnh hưởng của chiến tranh và tốc độ đô thị hóa của Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận, hiện cầu Long Biên đã xuống cấp nghiêm trọng cần được theo dõi sát sao.
Tàu khách Hà Nội - Hải Phòng qua cầu Long Biên. (Nguồn: VNR)

Tàu khách Hà Nội - Hải Phòng qua cầu Long Biên. (Nguồn: VNR)

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản gửi Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất thực hiện công tác quan trắc cầu Long Biên, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng.

Theo đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam cho phép lắp đặt trạm quan trắc tại công trình cầu Long Biên theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BGTVT ngày 8/2/2024 quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Đây là một trong những giải pháp đảm bảo an toàn công trình cầu Long Biên trong giai đoạn hiện nay đến khi công trình được đầu tư sửa chữa tổng thể.

Được biết, cầu Long Biên là một công trình có giá trị kiến trúc độc đáo, là một trong những biểu tượng văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Cầu có vị trí rất quan trọng, là đầu mối giao thông đi các tuyến đường sắt phía Bắc, đảm bảo vai trò giao thông nội đô của TP. Hà Nội qua sông Hồng.

Tuy nhiên, trải qua hơn 120 năm khai thác, do ảnh hưởng của chiến tranh và tốc độ đô thị hóa của Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận, hiện cầu đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trong những năm gần đây, cầu Long Biên đã được đầu tư gia cố, sửa chữa, cải tạo nhiều lần, trong đó lần gần đây nhất là Dự án khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1: “Gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025” và đến nay đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đảm bảo an toàn đến năm 2025.

Tuy nhiên, việc phát triển các hư hỏng gây xuống cấp công trình vẫn tiếp tục diễn ra, trải dài suốt toàn bộ phạm vi cầu.

Cụ thể, một số hạng mục kết cấu phần dưới, các kết cấu thép bán vĩnh cửu như các dầm quân dụng T66, dầm UYKM, hệ thống chồng nề bằng thép hình, gối kê bằng thép hình, hệ cọc thép tại các trụ phụ có hiện tượng gỉ nặng, nghiêng lệch, ảnh hưởng khả năng chịu lực chưa được điều tra, đánh giá chuyên sâu và có nguy cơ uy hiếp an toàn công trình cho giai đoạn tới.

“Trong khi đó, công tác bảo dưỡng thường xuyên hiện nay chủ yếu để duy trì, thay thế, sửa chữa các hư hỏng nhỏ, ngăn ngừa khắc phục một phần các hư hỏng phát sinh mà chưa thể khắc phục triệt để các hư hỏng tiếp tục phát triển đối với công trình rất xung yếu, đã quá niên hạn sử dụng như cầu Long Biên”, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá.

Tin bài liên quan