Nhiều lao động nữ ngành dệt may muốn nghỉ hưu sớm. Ảnh: Ngọc Thành.

Nhiều lao động nữ ngành dệt may muốn nghỉ hưu sớm. Ảnh: Ngọc Thành.

Đề xuất lao động nữ ngành dệt may được nghỉ hưu sớm

'Lao động nữ 45 tuổi đã muốn nghỉ hưu, nếu luật quy định đến 55 tuổi thì họ không có khả năng lao động', Chủ tịch May Sông Hồng nói.

Ngày 14/5, tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng thế giới, tuy nhiên còn phụ thuộc trình độ, kinh tế xã hội hay bảo hiểm xã hội của mỗi đất nước.

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, dự kiến sau năm 2035 mới chuyển sang thời kỳ già hóa dân số. Ngoài ra, lao động trong bộ phận hành chính đang quá đông và kém hiệu quả, nếu không tinh giảm bộ phận này trước thì sẽ không giải quyết việc làm cho số sinh viên mới ra trường.

Ông Cẩm đề xuất, các cơ quan nhà nước cần tinh giảm hành chính sự nghiệp trước thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu. Khu vực hành chính nên tăng tuổi nghỉ hưu trước, còn khu vực sản xuất trễ hơn 5-10 năm.

"Tuổi thọ cao không đồng nghĩa với sức khỏe đi làm cũng cao, người ta có thể sống thêm 5-10 năm song bảo người ta đi làm thì họ không muốn", ông Cẩm nói. 

Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, cũng nhận định, theo thăm dò người lao động cả khối hành chính và công nhân thì đều không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tuổi thọ của người Việt Nam đang thấp hơn Nhật Bản 10 năm, song dự kiến tuổi nghỉ hưu bằng nhau là 60 tuổi.

"Dân số của ta còn khá trẻ nên cần tạo điều kiện cho giới trẻ làm việc, thu nhập tốt, chỉ những công việc quản lý cấp cao nên kéo dài tuổi hưu 60", bà Huyền nói.

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may Sông Hồng, đề nghị nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam.

"Nhiều người lao động khi nghe đến việc tăng tuổi nghỉ hưu đã vội vàng "chạy" tiền để được làm giám định y tế về hưu sớm", ông nói.

Ông Thịnh cho biết, các nữ công nhân ngành may hàng ngày có 8-10 giờ đồng hồ chỉ tập trung vào cái trụ kim nhỏ bằng đầu nhón tay, công việc của họ rất mệt mỏi, áp lực. Do đó, lao động nữ 45 tuổi đã muốn nghỉ hưu, nếu quy định nữ công nhân đến 55 tuổi nghỉ hưu là không có khả năng.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Da giày cho rằng, cần có quy định linh hoạt cho lao động nghỉ hưu sớm bên cạnh quy định chung tăng tuổi hưu. Những lao động ngành dệt may, da giày không thể chờ được đến 50 tuổi, trong các nhà máy da giày có nhiều chị em làm đến 35-40 tuổi là nghỉ việc, sau đó họ lấy tiền bảo hiểm về quê rồi mở hiệu may, cắt tóc...

Đánh giá về việc tăng tuổi hưu, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến thị trường lao động, năng suất lao động, do đó cần có lộ trình phù hợp.

Hiện vấn đề này chưa được phân định rõ ràng, trong Luật vẫn đang theo hướng dàn hàng ngang. Bên cạnh đó, nếu tổng số việc làm không tăng, số người ở lại sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người trẻ. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới là phải thực hiện theo lộ trình để tránh gây sốc. 

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, dự thảo Bộ luật đề cập tăng tuổi nghỉ hưu theo 3 nhóm. Nhóm nâng tuổi hưu là lao động trong điều kiện bình thường với người nam lên 62, nữ lên 60. Nhóm hai, quyền nghỉ hưu sớm 5 năm với lao động bị suy giảm lao động từ 61% trở lên và làm việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và một số nhóm ngành đặc biệt. Nhóm thứ ba, lao động kỹ thuật cao được nghỉ hưu muộn hơn. 

"Ngành đặc biệt do Chính phủ quy định như ngành dệt may, da giày vẫn không kéo dài tuổi nghỉ hưu. Các nội dung này chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ thông qua kỳ họp Quốc hội tới", ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp khai mạc vào ngày 20/5.

Theo dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi:

Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Tin bài liên quan