Đề xuất kéo dài giải ngân vốn Chương trình phục hồi đến hết năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
Ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31/8/2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn.
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình được đánh giá là còn chậm.

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình được đánh giá là còn chậm.

Hiện nay, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31/8/2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Thông tin trên được nêu tại báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Chượng trình) và một số kiến nghị.

Chiều 12/10, Chính phủ sẽ báo cáo nội dung này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Nhìn chung, sau hơn 1,5 năm triển khai, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra, theo đánh giá của Chính phủ.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nêu rõ, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực được bố trí nhưng vẫn còn nhu cầu bổ sung nguồn lực, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31/8/2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết (175.217,783 tỷ đồng).

Một số dự án giao thông quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án có quy mô lớn, có tính liên vùng mới được triển khai thi công do cần có thời gian để hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư theo quy định nên kết quả giải ngân kế hoạch vốn từ Chương trình còn hạn chế (Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 đạt 31%, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đạt 33,6%, đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đạt 7,2%...).

Tại Nghị quyết số 93/2023/QH15, Quốc hội đã cho phép điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 67 của Luật Đầu tư công.

Quốc hội cũng cho phép bố trí nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong các năm 2024, 2025 để hoàn thành các dự án theo đúng Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, thời gian giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình đến hết ngày 31/12/2023, tức chỉ còn khoảng 4 tháng để thực hiện, khó có khả năng giải ngân hết số vốn còn lại của Chương trình, đặc biệt đối với các dự án giao thông quan trọng, quy mô lớn, có tính liên vùng có kế hoạch bố trí vốn từ Chương trình lớn.

Theo Chính phủ, trường hợp không cho phép tiếp tục thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình sau ngày 31/12/2023 có thể dẫn đến việc các dự án thiếu vốn, không hoàn thành các mục tiêu đề ra tại chủ trương đầu tư dự án.

Điều này có thể dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, tạo sức ép bố trí vốn trong các năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do phải bố trí thêm cho các dự án thuộc Chương trình chưa hoàn thành, gánh nặng bố trí vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Chính phủ cũng trình bày, do hiện nay chưa hết thời hạn giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình, Chính phủ chưa có căn cứ để xác định chính xác số vốn cụ thể của Chương trình cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân cho từng dự án.

Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình đến hết năm 2025.

Đồng thời, để tạo tính linh hoạt, chủ động trong triển khai, tránh gián đoạn trong việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn của Chương trình, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

“Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch đầu tư các năm 2024, 2025 nhằm phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội cho phép sử dụng”, báo cáo nêu rõ.

Tin bài liên quan