Chỉ 38% doanh nghiệp Việt Nam có bộ phận pháp chế
Sáng 22/11, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Đây là Đề án do Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp xây dựng nhằm triển khai Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng để doanh nghiệp phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu chủ trì Hội thảo, ông Cao Đăng Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Đề án xác định trọng tâm định hướng cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gồm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề pháp lý trong giải quyết các tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; có chính sách hỗ trợ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng.
TS. Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, hoạt động hỗ trợ pháp lý được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh, lĩnh vực hoạt động và được Nhà nước miễn phí.
Theo khảo sát của Bộ Tư pháp, năm 2021-2022 chỉ có 38% doanh nghiệp được hỏi có bộ phận pháp chế; trong đó, chỉ có 44% là chuyên trách, 56% là kiêm nhiệm. Điều này chứng tỏ công tác pháp chế tại doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và bố trí nguồn lực phù hợp.
Phân tích nguyên nhân này, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Bộ Tư pháp (đơn vị soạn thảo Đề án) nhìn nhận, nguyên nhân chủ yếu do đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực chủ yếu tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh, chưa có nguồn lực để bố trí cho công tác pháp chế.
Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” sáng 22/11 (ảnh: M.M) |
Đa số các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến các chi phí trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các chi phí gián tiếp như chi phí dịch vụ pháp lý, đội ngũ pháp chế còn chưa được quan tâm thỏa đáng.
Bên cạnh đó, hiệu quả tư vấn pháp luật của các tổ chức dịch vụ pháp lý hiện nay chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp khi được hỏi đều đánh giá các dịch vụ này đều ở mức trung bình.
Đề xuất thành lập Cổng Thông tin điện tử quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp lý doanh nghiệp đề nghị thành lập Cổng Thông tin điện tử quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của công tác này và hội nhập ngày càng sâu rộng kinh tế quốc tế của doanh nghiệp hiện nay.
Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp lý doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo (ảnh: M.M) |
Ông Nguyễn Xuân Anh, Chánh Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bởi hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đánh giá dịch vụ này rất bổ ích.
“Theo quy định, mỗi luật sư phải dành ít nhất 4 giờ/năm để tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta cần tận dụng tốt nhất sự tham gia của hơn 17.000 luật sư đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang "khát" tư vấn pháp luật”, ông Xuân Anh nói.
Tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Đề án, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 5 đề xuất nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.
Thứ nhất, nghiên cứu, bổ sung tiêu chí đánh giá, giám sát về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để các cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý có công cụ nhằm thực hiện các hoạt động hiệu quả.
Thứ hai, khảo sát, phân loại doanh nghiệp tại theo vùng, địa phương, lựa chọn nhu cầu của doanh nghiệp để thực hiện tư vấn pháp lý, lựa chọn nhóm vấn đề mà doanh nghiệp ở địa phương đó thực sự cần hỗ trợ để tránh dàn trải.
Thứ ba, chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường vai trò chỉ đạo, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý, nhất là trong triển khai, theo dõi việc thực hiện pháp luật về hỗ trợ pháp lý.
Thứ năm, nghiên cứu các cơ chế góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ pháp lý về kinh phí, về chế độ, chính sách cho người thực hiện hỗ trợ pháp lý...; tiếp tục nghiên cứu và đổi mới để tăng cường sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có chất lượng, uy tín vào hoạt động hỗ pháp lý thông qua nhiều hình thức đa dạng, phát huy tốt mọi nguồn lực của xã hội cho hoạt động hỗ trợ pháp lý.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh cần nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới tư vấn viên pháp luật; hoạt động của tư vấn viên có sức lan tỏa và được sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức dịch vụ pháp lý.
Một số ý kiến khác cho rằng, cần cụ thể hóa trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vì đây là những doanh nghiệp vẫn còn yếu thế.