Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, lữ hành, cơ sở lưu trú
Nhằm hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp lữ hành, du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 168/2017/NĐ-CP trong thời hạn 2 năm để giúp tạo dòng tiền vào, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất.
Khoản tiền ký quỹ từ 100 - 500 triệu đồng tùy thuộc loại hình kinh doanh này nằm ở các ngân hàng thương mại và được hoàn trả khi chấm dứt kinh doanh dịch vụ lữ hành, do đó không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước.
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Du lịch cho thấy hiện có 2.667 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, hơn 500 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa năm 2019.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với giải pháp giảm phần lớn số tiền ký quỹ, sẽ giúp ngay lập tức tạo dòng tiền vào cho doanh nghiệp lữ hành, hỗ trợ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất. Đồng thời, chính sách này không gây phát sinh nguồn tiền hỗ trợ, không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước.
Nếu được Chính phủ chấp thuận phê duyệt, chính sách này dự kiến được đề nghị áp dụng trong vòng 2 năm từ tháng 11/2020 - tháng 11/2022. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ là đơn vị triển khai chính sách.
Bên cạnh đó, điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch cũng là giải pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Theo đó, Bộ đề nghị nghiên cứu điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất trong năm 2020, thực hiện từ tháng 11/2020 đến hết tháng 1/2021 nhằm giúp giảm chi phí đầu vào cho các cơ sở lưu trú du lịch, tạo dòng tiền để các cơ sở duy trì hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, chính sách này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể làm giảm doanh thu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện. Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam sẽ là đơn vị trực tiếp triển khai.
Đồng thời, triển khai thực hiện phát phiếu chiết khấu hoặc phiếu khuyến mại để giảm chi phí vận chuyển hành khách, lưu trú và ăn uống nhằm thúc đẩy tiêu dùng, mua sắm trong ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn thông qua hình thức hỗ trợ là phát phiếu chiết khấu, khuyến mại đối với các hóa đơn vận chuyển (hàng không, đường sắt, đường bộ…), hóa đơn lưu trú khách sạn và ăn uống tại nhà hàng. Tùy thuộc vào mặt hàng phiếu sẽ có tỷ lệ chiết khấu khác nhau và có thời hạn sử dụng nhất định.
Giải pháp này có thể trực tiếp thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống hồi phục sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Bên cạnh đó, có thể xem xét bổ sung một số mặt hàng để kích cầu nền kinh tế, giải quyết lượng hàng tồn kho, hỗ trợ một số ngành sản xuất gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa đối với các ngành như dệt may, giầy dép, điện thoại là những ngành có giá trị xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ.
Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19, tại gói kích thích kinh tế lần 2 này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, Bộ đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế (VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và tiền thuê đất) theo quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ và có thể xem xét mở rộng bổ sung các kỳ tính thuế được gia hạn nộp.
Đối tượng thụ hưởng là các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh và có doanh thu chủ yếu đến từ các ngành, lĩnh vực: dịch vụ du lịch, lưu trú, dịch vụ ăn uống, vận tải hàng không… Việc kéo dài thời gian gia hạn dự kiến thêm 5 tháng, có thể xem xét việc gia hạn nộp thuế năm 2021.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất các chính sách giảm thuế suất thuế giá giá trị gia tăng (VAT) đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để kích cầu tiêu dùng nội địa hướng tới đối tượng hỗ trợ là người tiêu dùng và người lao động có thu nhập thấp nếu thực hiện giảm thuế VAT đối với các mặt hàng thiết yếu. Dự kiến thực hiện từ các tháng cuối năm 2020 và có thể cả năm 2021.
Đánh giá tác động từ chính sách này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc giảm thuế VAT có tác dụng giảm giá cả hàng hóa, dịch vụ và có lợi đối với người tiêu dùng, từ đó có thể kích thích mua sắm, kích cầu nền kinh tế. Ước tính việc giảm 1% thuế VAT có thể kích thích tăng tiêu dùng cuối cùng tương đương 0,2 điểm phần trăm GDP.
Tuy nhiên, chính sách này có thể tác động mạnh tới nguồn thu ngân sách nhà nước. Mặt khác, dự kiến việc triển khai tổ chức thực hiện khó khăn vì thuế VAT áp dụng cho cả các mặt hàng nhập khẩu. Nếu chỉ áp dụng đối với hàng hóa trong nước thì có thể sẽ vi phạm các nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu.
Tiếp tục gia hạn miễn giảm, giãn hoãn và tái cơ cấu nợ
Đáng chú ý, giải pháp về chính sách tiền tệ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục thực hiện. Cụ thể, tiếp tục thực hiện các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc thời điểm khác phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh và mở rộng phạm vi khoản nợ được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản giải ngân phát sinh sau ngày 23/01/2020.
Với đối tượng hỗ trợ hướng tới các doanh nghiệp duy trì hoạt động và có khả năng tiếp cận nguồn tín dụng mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc gia hạn thời gian thực hiện các chính sách trên giúp các doanh nghiệp, khách hàng có thể tiếp tục vay vốn ở các tổ chức tín dụng với chi phí thấp hơn; các tổ chức tín dụng không phải chuyển nhóm nợ thì cũng không phải trích lập dự phòng rủi ro, tạo dư địa cho vay lớn hơn. Tuy nhiên, Bộ cũng lưu ý cần phải xem xét thận trọng rủi ro về nợ xấu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề suất giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm đối với các doanh nghiệp từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động. Cách thức thực hiện theo hướng áp dụng lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo, ở mức 3,96%/năm (hiện nay, lãi suất cho vay là 7,92%/năm) đối với các doanh nghiệp. Thời gian thực hiện từ ngày 01/11/2020 đến ngày 31/8/2021 đối với các khoản vay đang có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời gian hỗ trợ thực tế không vượt quá thời hạn vay vốn còn lại quy định trong hợp đồng tín dụng.
Cùng với đó là chính sách hỗ trợ đào tạo nghề lao động thực hiện đến hết năm 2021 nhằm hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do thay đổi hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lao động có nhu cầu nâng cao tay nghề để tận dụng cơ hội thay đổi chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, hướng tới các ngành kinh tế số, kinh tế xanh.
Đặc biệt, Bộ cũng đề xuất tạm dừng đóng kinh phí công đoàn tối đa 12 tháng đến hết năm 2021 cho các doanh nghiệp. Phương án này theo ước tính có thế làm giảm thu tài chính công đoàn khoảng 15-16 nghìn tỷ đồng/năm song sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp người lao động có thêm thu nhập tương tự chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đã triển khai.