Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký báo cáo giải trình ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ về kinh tế, xã hội.
Cả ngày 29/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình những tháng đầu năm 2024.
Hai nội dung khác cùng được thảo luận trong ngày là kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Trước đó, thảo luận tại tổ, một số ý kiến đại biểu cho rằng tăng trưởng quý I/2024 khá cao, đề nghị bổ sung thêm kịch bản tăng trưởng năm 2024 cao hơn để có giải pháp, chính sách điều hành phù hợp với điều kiện phát triển và thực tiễn đặt ra.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế nước ta quý I/2024 đạt 5,66%, cao hơn 2,25 điểm phần trăm so với mức tăng 3,41% của quý I/2023 và cũng đạt mức tăng trưởng tốt hơn nhiều so với quý I các năm 2020-2023.
Nhìn chung, kinh tế nước ta quý I/2024 chủ yếu được hỗ trợ bởi các yếu tố thuận lợi như kinh tế vĩ mô giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm mạnh là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất; tiêu dùng trong nước được thúc đẩy; giải ngân vốn đầu tư công tích cực, tạo lan toả tới đầu tư ngoài nhà nước và khu vực FDI; thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ; đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế, Bộ trưởng khái quát.
Báo cáo nêu rõ, ngay từ đầu năm 2024, kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi bất ổn địa chính trị, phân mảnh địa kinh tế. Các nền kinh tế lớn vẫn bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng chính trị liên quan đến Nga và Ukraina, Trung Đông, đồng thời phải kiểm soát và ổn định lạm phát. Về sản xuất, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 50,3 điểm trong tháng 4/2024, tăng trở lại sau khi tháng 3/2024 chỉ đạt 49,9 điểm.
Theo xu hướng này, những tháng quý II/2024 sẽ có triển vọng đối với ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành chủ lực như điện tử, máy tính, dệt may, da giày, nhưng khó có thể tạo được bứt phá để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ được.
Ngoài ra, hoạt động thương mại quốc tế suy giảm tác động đến các ngành công nghiệp chế biến chế tạo do số lượng đơn hàng mặc dù đã cải thiện trong quý I/2024 nhưng dự báo đến hết năm 2024 vẫn chưa đạt được mức những năm trước đây.
Ở góc độ doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết có khoảng 82,9% số doanh nghiệp công nghiệp nước ta dự báo số lượng đơn đặt hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu mới khả quan hơn kể từ quý II/2024. Tương tự, khoảng 82,3% số lượng doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất hàng công nghiệp sẽ gia tăng trong các tháng cuối năm 2024. Hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo - động lực chính của nền kinh tế vẫn chưa chắc chắn sẽ bứt tốc từ nay tới cuối năm 2024.
Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2024 khá chậm. Cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều khách hàng vay chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn; đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Có thể thấy mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của năm 2024 đặt ra cũng khá thách thức.
Như vậy, theo Bộ trưởng, kinh tế nước ta quý I/2024 tuy có khởi sắc, nhưng những quý tiếp theo vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả trong nước và ngoài nước, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
“Kịch bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng các quý trong năm 2024 có tính toán và dự báo các yếu tố tác động tới nền kinh tế nước ta, đồng thời cũng đã xem xét đến xu hướng chung là các quý sau thường cao hơn quý trước do hoạt động kinh tế thường sôi động hơn ở những tháng cuối năm. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất vẫn giữ nguyên theo kịch bản đã xây dựng là tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 đạt khoảng 6%-6,5%”, Bộ trưởng cho hay.