Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giải pháp đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản năm 2020. Trong đó, Bộ Nông nghiệp có đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung ngân sách cho đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp, coi đây là giải pháp kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong thời điểm hiện nay…
Ngoài ra, trong bản báo cáo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Bộ Tài Chính nghiên cứu, chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt heo. Tăng cường nhập khẩu thịt lợn để đảm bảo lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu, đảm bảo cân đối cung-cầu về thịt lợn.
Cụ thể là chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; hỗ trợ kinh phí thuê kho, lưu kho vận chuyển, bảo quản nông sản cho 3.130 hợp tác xã nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng với kinh phí 100 triệu đồng/hợp tác xã; hỗ trợ cho các hợp tác xã trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong thời gian 3 tháng, từ 1/4…
Đồng thời, kiến nghị Ban Chỉ đạo 398 quốc gia và các địa phương: Tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép heo, sản phẩm heo ra khỏi Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ, găm hàng để tăng giá lợn thịt, lợn giống hiện nay trên thị trường; nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ sản xuất con giống và tín dụng để người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi lợn.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Gói tín dụng 285.000 tỷ đối phó với dịch Covid-19, tuy nhiên, cần hướng dẫn các ngân hàng thương mại, địa phương triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay).
Tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh thuộc diện chịu ảnh hưởng của dịch, đặc biệt đối với người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh dịch tả lợn châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh.
Trả lời phóng viên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, bên cạnh các nỗ lực từ phía bộ, ngành để dần tăng nguồn cung thịt lợn, từ góc độ người tiêu dùng cũng phải đẩy mạnh định hướng lựa chọn nhiều sản phẩm như trứng, cá… thay thế cho thịt lợn. Người tiêu dùng cần san sẻ mua các loại thực phẩm khác để vừa lợi cho sức khỏe vừa có giá cả phù hợp với sức tiêu thụ, sẽ không tạo áp lực về một mặt hàng là thịt lợn.
Để đảm bảo cân đối cung-cầu thịt lợn, từng bước “hạ nhiệt” hơn nữa giá thịt lợn trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, phải tập trung nhiều giải pháp, trong đó giải pháp gốc rễ vẫn là phải tập trung tái đàn, tăng đàn. Bộ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội phối hợp cùng bà con nông dân các tỉnh, thành phố để tăng đàn, đảm bảo nhanh nhất nhưng phải an toàn.
Thứ hai là phải có sự phối hợp giữa các ngành, giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để giảm bớt khâu trung gian, làm sao giữa các khâu sản xuất đến khâu chế biến, đến tiêu dùng ngắn nhất thì mới có thể giảm giá lợn phù hợp. Thứ ba là phải thúc đẩy nhập khẩu. Thời gian tới đây tiếp tục nhập khẩu sản phẩm thịt trong chừng mực ngắn hạn nhất định còn thiếu để đảm bảo cho thị trường.
"Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đủ thực phẩm cung ứng cho nhân dân và giá phù hợp với các đối tượng", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Theo báo cáo củ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2019 thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu là 67.131 tấn (tăng 63% so với năm 2018); trong đó chủ yếu nhập khẩu từ các nước Đức, Ba Lan, Brazil, Canada, Hoa Kỳ.
Trong năm 2020, tính đến ngày 27/3/2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 39.191 tấn, tăng tới 312% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Hoa Kỳ 7,65% và Nga 2,62%.