Đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm tồn tại ở 8 dự án BOT giao thông: Chờ thêm quyết sách từ Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Cần thêm những quyết sách từ Quốc hội để xử lý dứt điểm gánh nặng “đá đeo” tại 8 dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT kéo dài dai dẳng suốt 5 - 6 năm qua.
Trạm thu phí Bỉm Sơn từng được lên kế hoạch hoàn vốn cho Hạng mục Đường tránh phía Tây TP. Thanh Hóa

Trạm thu phí Bỉm Sơn từng được lên kế hoạch hoàn vốn cho Hạng mục Đường tránh phía Tây TP. Thanh Hóa

Rốt ráo xử lý

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Tờ trình số 10189/TTr-BGTVT gửi Chính phủ về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT do bộ này quản lý.

Đây là tờ trình thứ hai được Bộ GTVT trình Chính phủ trong vòng 1 tháng qua, phần nào cho thấy tính chất cấp bách của vấn đề đang được đánh giá là khá nhạy cảm, có tác động lớn tới không chỉ các nhà đầu tư BOT giao thông, mà còn tới nhiều ngân hàng từng tham gia tài trợ vốn.

Được biết, Tờ trình số 10189 đã được Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tại 2 cuộc họp do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì trong các ngày 20/9 và 26/9/2022 nhằm rà soát dự thảo báo cáo về giải pháp xử lý dứt điểm những vướng mắc tại 8 dự án BOT giao thông trước khi trình Quốc hội phê duyệt.

Cần phải nói thêm, theo Thông báo số 315/TB-VPCP, ngày 4/10/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Phó thủ tướng ghi nhận, tại các cuộc họp nêu trên, các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục thống nhất về sự cần thiết và cấp bách phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý những vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT giao thông.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện báo cáo, trong đó làm rõ hơn các nguyên tắc, tiêu chí xác định trạm thu phí/dự án BOT phải báo cáo Quốc hội; khẳng định rõ các trạm thu phí/dự án BOT có lãng phí, thất thoát không và có đảm bảo chất lượng không. Bên cạnh đó, nội dung kiến nghị Quốc hội xem xét phải rõ ràng, ngắn gọn về cơ sở pháp lý, thẩm quyền.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ đang khẩn trương làm việc với các ủy ban của Quốc hội về nội dung báo cáo, tờ trình để tiếp thu, hoàn chỉnh trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

So với Tờ trình được gửi đi đầu tháng 9/2022, điểm nhấn nổi bật nhất tại Tờ trình số 10189 là các nguyên tắc lựa chọn dự án BOT để đề xuất xử lý đã được Bộ GTVT cụ thể hóa rõ nét hơn.

Theo đó, dự án BOT giao thông sẽ nhận được “phao cứu trợ” từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu thỏa mãn 3 nguyên tắc.

Một là, dự án BOT đã hoàn thành đưa vào khai thác, nhưng chưa được thu phí và không thể triển khai thu phí do mất an ninh, trật tự dẫn đến phương án tài chính bị phá vỡ.

Hai là, dự án đã thu phí, nhưng doanh thu thực tế thấp hơn 30% (sụt giảm trên 70% so với hợp đồng BOT); nếu tiếp tục thu phí và áp dụng các biện pháp khắc phục (tăng phí, kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn…), nhưng phương án tài chính vẫn bị phá vỡ, dư nợ ngày càng tăng do nguồn thu không đủ để chi trả các chi phí quản lý, bảo trì công trình, chi phí lãi vay, lợi nhuận).

Ba là, dự án không thể tiếp tục thực hiện theo hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản mà không thuộc lỗi của nhà đầu tư.

Đối chiếu với các nguyên tắc nêu trên, sau khi rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận giải pháp xử lý bất cập tại 8 dự án BOT.

Trong số này, có những cái tên khá “cộm cán” bị ảnh hưởng do xuất hiện tình huống thay đổi quy hoạch, như: Hạng mục Đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889; Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc; Dự án Xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng; Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C…

“Trong thời gian vừa qua, các dự án này liên tục được nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ mua lại dự án nhằm tránh cho công trình không bị rơi vào nguy cơ phá sản, phát sinh nợ xấu cho các tổ chức tín dụng tài trợ vốn”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ thông tin.

Chờ quyết định của Quốc hội

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, ngoại trừ Dự án BOT Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả được kiến nghị Nhà nước hỗ trợ một phần ngân sách để tiếp tục triển khai thu phí, 7 dự án BOT còn lại đều được Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án và ngân hàng cung cấp tín dụng, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đồng thời bố trí vốn ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư, xóa bỏ trạm thu phí.

“Đây là các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc tại các dự án BOT theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan liên quan”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm thông tin.

Bên cạnh đó, do các công trình thuộc 8 dự án đều đã hoàn thành đưa vào khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư, nên đã hình thành tài sản công. Việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án chỉ là giải pháp chuyển đổi từ hình thức “người sử dụng dịch vụ trả phí trực tiếp trong khoảng thời gian nhất định” sang “Nhà nước trả một lần”; trình tự, thủ tục thanh toán tuân thủ quy định của pháp luật, nên không gây thất thoát vốn nhà nước.

Được biết, không chỉ các nhà đầu tư, mà nhiều ngân hàng tài trợ vốn cho 8 dự án BOT cũng đang mong chủ trương của Chính phủ sớm thành hiện thực.

Tại Công văn số 401/NHNN-TD ngày 1/6/2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo hợp đồng dự án, thì vốn nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu) chỉ chiếm khoảng 10 - 15% tổng vốn đầu tư, 85 - 90% còn lại vay từ ngân hàng cung cấp tín dụng. Chính vì vậy, phần lớn vốn nhà nước khi được bố trí sẽ giải ngân cho các ngân hàng cung cấp tín dụng, qua đó kiềm chế và giảm thiểu nợ xấu, góp phần ổn định chính sách tiền tệ của quốc gia, bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) mới.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, hiện vướng mắc lớn nhất cần gỡ để có thể sớm “bung phao” giải cứu cho 8 dự án BOT chủ yếu liên quan đến thẩm quyền quyết định.

Theo quy định của hợp đồng ký kết với các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, nên thẩm quyền chấm dứt hợp đồng thuộc Bộ GTVT. Tuy nhiên, việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn cần phải bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, vượt thẩm quyền của Bộ GTVT.

Sơ bộ kinh phí nhà nước cần bố trí để xử lý vướng mắc, bất cập tại 8 dự án BOT khoảng 13.115 tỷ đồng, nên Chính phủ chỉ đạo tổng hợp giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định là phù hợp về thẩm quyền.

Tại Tờ trình số 10189, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận chủ trương giải pháp thực hiện và bố trí vốn ngân sách nhà nước (khoảng 13.115 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án của 7 dự án (khoảng 10.835 tỷ đồng) và bổ sung vốn nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng) hỗ trợ Dự án Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện pháp luật về PPP, bảo đảm công bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên, khả thi về tổ chức thực hiện.

“Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương (dự kiến tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV), Chính phủ sẽ bố trí vốn ngân sách, chỉ đạo thực hiện các thủ tục xác nhận, thanh toán chi phí, dự kiến trong 2 năm (2023 và 2024). Trường hợp kéo dài thời gian bố trí vốn nhà nước để thực hiện sẽ làm tăng chi phí do phát sinh lãi vay và lợi nhuận vốn chủ sở hữu”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Tin bài liên quan