Vận hành thử họng nước cứu hỏa tại Nam khu A, Khu công nghiệp Bỉm Sơn (Nguồn: Báo Thanh Hóa).
Báo cáo Chính phủ về việc tình hình thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tháng 1 và tháng 2 năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nhắc tới những quy định về điều kiện kinh doanh là rào cản đối với doanh nghiệp.
Thực tế còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác phòng cháy chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Việc này được thực hiện sau khi một số vụ việc hoả hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke.
Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh; điều kiện quá khắc nghiệt và làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp.
Mặt khác, trong một thời gian dài, công tác kiểm tra về phòng cháy chữa cháy mang nặng tính hình thức, chiếu lệ nên khi có vụ việc xảy ra thì cơ quan quản lý phản ứng theo chiều hướng cực đoan.
Gần đây, cơ quan công an thực hiện kiểm tra phòng cháy chữa cháy liên tục; nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không thể đáp ứng được các yêu cầu ngặt nghèo về phòng cháy chữa cháy.
Thực trạng này ảnh hưởng xấu tới cơ hội sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; việc làm của người lao động và các hệ lụy xã hội khác.
Trong báo cáo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy; tháo gỡ ngay các bất cập trong quy định về phòng cháy chữa cháy để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất kiến nghị sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp dụng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo mức độ rủi ro; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Mới đây, trong các kiến nghị gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2023, một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như EuroCham, KorCham cũng đề cập đến tình trạng khó khăn trong việc hoàn tất các thủ tục để có được giấy phép phòng cháy chữa cháy. Lý do đến từ sự không nhất quán trong hướng dẫn thủ tục của một số cơ quan phòng cháy, chữa cháy ở nhiều địa phương.
Theo KorCham, vấn đề phát sinh gần đây là khi mở rộng nhà máy đang hoạt động, giấy phép phòng cháy chữa cháy và giấy phép hoàn công đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu mâu thuẫn với quy định hiện hành đã được thắt chặt
Ví dụ, trước đây, ngay cả khi sử dụng tấm thạch cao đơn giản hoặc sơn chống cháy cho tường chống cháy của nhà máy, cũng không gặp trở ngại gì trong việc xin cấp phép phòng cháy chữa cháy. Nhưng đến nay, phải sử dụng tấm thạch cao có tính chịu lửa. Do đó, khi doanh nghiệp xây dựng nhà máy, chi phí thi công tăng lên và doanh nghiệp phải thực hiện quy định hiện hành đối với cả nhà máy đã xây dựng trước đây và đang trong quá trình vận hành.
Khi áp dụng quy định, có nhiều trường hợp áp dụng cách diễn giải tùy tiện của cơ quan phòng cháy chữa cháy, điều này dẫn đến có những trường hợp mất hơn 50 ngày mới được cấp phép phòng cháy chữa cháy.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy thực tế, quy định sử dụng tấm thạch cao có khả năng chống cháy riêng trong khi bản thân tấm thạch cao đã có tính chịu lửa là cách diễn giải thái quá.