Bộ Công thương đề xuất mức giá mua điện mặt trời cho các dự án nối lưới là 7,09 UScents/kWh, giá điện mặt trời áp mái là 8,38 UScents/kWh và điện mặt trời nổi là 7,69 UScents/kWh.

Bộ Công thương đề xuất mức giá mua điện mặt trời cho các dự án nối lưới là 7,09 UScents/kWh, giá điện mặt trời áp mái là 8,38 UScents/kWh và điện mặt trời nổi là 7,69 UScents/kWh.

Đề xuất giá mua điện mặt trời theo một vùng

Bộ Công thương vừa có tờ trình về phương án giá điện mặt trời mới theo yêu cầu được đưa ra tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ vào cuối tháng 11/2019 với đề xuất áp dụng mức giá mua điện mặt trời theo một vùng.

Chốt giá một vùng

Trong Tờ trình số 10170/TTr-BCT, Bộ Công thương đề xuất mức giá mua điện mặt trời cho các dự án nối lưới là 7,09 UScents/kWh, giá điện mặt trời áp mái là 8,38 UScents/kWh và điện mặt trời nổi là 7,69 UScents/kWh.

Như vậy, so với giá mua điện áp dụng trước thời điểm ngày 30/6/2019 (mức chung là 9,35 UScents/kWh), đã có sự điều chỉnh nhất định cho các dự án điện mặt trời nối lưới. Dẫu vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một số nhà đầu tư cũng thừa nhận, mức giá này vẫn cho lợi nhuận hấp dẫn so với các lĩnh vực đầu tư khác.

Trước đó, trong tính toán các phương án giá điện mặt trời, Bộ Công thương đã đề xuất giá tấm pin được áp dụng cho tính toán là 250 USD/kWp trong dải giá 190 - 420 USD/kWp được thống kê ở thời điểm tháng 11/2018 của Pvinsights.

Dựa trên kết quả phỏng vấn tại các địa phương, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng được xác định trung bình từ 300 triệu đồng/ha đến 1,2 tỷ đồng/ha. Với giá trị trung bình 1,2 ha/MW, tổng chi phí đền bù và hỗ trợ và tái định cư được tính là 34,4 USD/kWp (khoảng 650 triệu/ha, nhằm khuyến khích tại các vùng có tiềm năng, đất khô cằn, không thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi).

Cùng với hàng loạt chi phí khác như xây dựng, quản lý dự án, tư vấn, vận hành - bảo dưỡng, tài chính và cả trượt giá…, Bộ Công thương đã đề xuất mức giá mua điện mặt trời cho các loại hình và phân chia thành 4 vùng.

Tuy nhiên, với các yêu cầu cụ thể, trong lần trình mới nhất này, giá điện mặt trời đã được Bộ Công thương đề nghị lấy theo mức vùng 3.

Thẩm định phương án giá mua điện mặt trời do Bộ Công thương đề xuất, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc áp dụng một mức giá mua điện mặt trời là hợp lý và đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dẫu vậy, Bộ Tư pháp không có ý kiến gì về mức giá cụ thể mà Bộ Công thương đề xuất, bởi cho rằng, đây là vấn đề kinh tế kỹ thuật.

Tiếp tục đánh giá

Cũng tại tờ trình nói trên, Bộ Công thương cho hay, hiện có 7 dự án điện mặt trời với tổng công suất 320 MW đã ký hợp đồng mua bán điện và đáp ứng điều kiện cơ sở là đã và đang thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019 (thời điểm ngay sau khi có Kết luận số 402/TB-VPCP ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về giá điện mặt trời mới).

Trong số 7 dự án này, có một số dự án đã vận hành một phần trước thời điểm ngày 1/7/2019 với tổng công suất 134,5 MWp.

Ngoài ra, thống kê của Bộ Công thương cho thấy, hiện còn 44 dự án điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 3.668,9 MWp. Trong đó, các dự án có chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 có tổng công suất 2.964,9 MWp, song chỉ có 1.930,7 MWp có hợp đồng mua bán điện được ký trước ngày 23/11/2019.

Ngoài ra, có 22 dự án điện mặt trời khác với tổng công suất hơn 1.500 MWp đã được Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bổ sung quy hoạch điện, nhưng chưa có kết luận cuối cùng. Trong số này, đáng chú ý là các dự án quy mô lớn muốn đặt tại Ninh Thuận - đang được hưởng giá điện 9,35 UScents/kWh tới hết năm 2020 như Trung Nam (450 MW), Phước Hữu 2 (230 MW).

Với thực trạng này, việc sớm có giá điện mặt trời mới chính thức áp dụng sau thời điểm ngày 1/7/2019 được các nhà đầu tư rất chờ đợi.

Đáng nói là, trong thẩm định Dự thảo về giá điện mặt trời, Bộ Tư pháp có đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu, cân nhắc, rà soát tổng thể và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các dự án điện mặt trời, đánh giá tác động của quyết định mới về Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 nói chung và các dự án điện mặt trời nói riêng.

“Trong trường hợp quy định về đối tượng mua điện như trên, thì ảnh hưởng đến các nhóm dự án đã được bổ sung quy hoạch, đã có hợp đồng mua bán điện, đang thi công trước thời điểm 22/11/2019 lẫn các dự án đang dở dang các điều kiện trên ra sao? Có phát sinh tranh chấp với các cơ quan nhà nước không? Với những dự án đã được thẩm định, nhưng chưa bổ sung quy hoạch, nay phải chuyển sang hình thức đấu thầu, thì ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư ra sao?” Bộ Tư pháp nêu ý kiến.

Do báo cáo đánh giá của các bên liên quan vẫn chưa có sự thống nhất, các nhà đầu tư có kinh nghiệm đánh giá, để đưa ra được mức giá chính thức cho các dự án điện mặi trời áp dụng cho 6 tháng trước đây cũng còn mất nhiều thời gian.

Theo báo cáo của EVN, tới đến tháng 11/2019, đã có 19.378 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trên toàn quốc với tổng công suất 318 MW, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam (73% tổng công suất của hệ thống).

Tin bài liên quan