Cú “lệch pha” khó chỉnh
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, không ít doanh nghiệp thông báo mất khả năng thanh toán các lô trái phiếu và đề nghị được hoãn, giãn nợ.
Cụ thể, kể từ đầu tháng 1/2023 tới nay, các doanh nghiệp xin hoãn trả lãi trái phiếu do không có tiền thanh toán bao gồm Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang, Công ty cổ phần Lâu đài trắng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2, Công ty cổ phần Lavida Invest, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Định, Công ty cổ phần Trung Nam, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH Đức Việt, Công ty cổ phần Tân hoàn cầu Bến Tre…
Nhiều doanh nghiệp xin khất nợ có chung một lý do là tín dụng bị thắt chặt, tình hình sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất tăng cao, thị trường cổ phiếu và trái phiếu không tích cực, chủ đầu tư không thu xếp kịp nguồn để thanh toán cho doanh nghiệp khiến nguồn tiền bị ảnh hưởng.
Việc các doanh nghiệp bắt đầu rơi vào tình trạng chậm trả lãi và gốc trái phiếu trên thực tế đã được dự đoán từ cách đây vài tháng. Trong báo cáo thị trường trái phiếu công bố tháng 8/2022 của Fiin Group, đơn vị này đã nhấn mạnh tới bối cảnh nhiều “sóng gió” của ngành bất động sản, làm cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ vay.
Phần lớn tổ chức phát hành trái phiếu trong 2 - 3 năm trước là doanh nghiệp chưa niêm yết, bao gồm công ty dự án có sức khỏe tài chính yếu, chưa có lịch sử kinh doanh và dòng tiền ổn định, nên hồ sơ tín dụng chưa được tốt, hoặc chưa đáp ứng tiêu chí vay tín dụng ngân hàng... Tới thời điểm hiện tại, khi hoạt động phát hành trái phiếu mới gặp khó khăn, tín dụng “tắc” đầu ra, hoạt động kinh doanh đình trệ, doanh nghiệp không có dòng tiền để trả cho trái chủ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định, tình trạng chậm trả nợ gốc và lãi trái phiếu của doanh nghiệp sẽ tiếp diễn, bởi khối lượng trái phiếu đáo hạn trong năm nay là rất lớn. Dù nhiều doanh nghiệp nỗ lực bán tài sản để thanh toán nợ cho trái chủ, song với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, việc bán tài sản cũng không dễ.
Một số doanh nghiệp đàm phán với các trái chủ để gia hạn, nhưng phương án này gặp khó khăn bởi trái chủ là số đông, đòi hỏi phải có sự đồng thuận. Ngoài ra, không có cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc đồng thuận của số đông áp dụng cho tất cả.
Phương án thứ ba mà các doanh nghiệp thực hiện là đề nghị trái chủ chuyển đổi từ trái phiếu sang bất động sản.
“Kỳ vọng lớn nhất để giải cứu vẫn đến từ tín dụng ngân hàng”, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nêu quan điểm.
Thực tế, sau vài cuộc họp gần đây giữa Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Vinhomes, Novaland, Sungroup, Hưng Thịnh, Him Lam…, các kiến nghị được đưa ra chủ yếu là nới tín dụng, giãn nợ trái phiếu, giảm lãi suất.
Tại các cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có kết luận mang tính khuyến nghị và cam kết, cùng với thông tin “hậu trường” cho thấy, một số ngân hàng lớn sẽ hạ lãi suất, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp vẫn phải chờ.
Điều mà nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, sau hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững cuối tuần qua, Chính phủ sẽ có nghị quyết với các giải pháp cụ thể để tháo gỡ.
Giải pháp 3 bên
Ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay, doanh nghiệp dùng tiền vay để trả nợ trái phiếu, nhưng trái chủ nhận được tiền sẽ gửi lại ngân hàng dưới dạng tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
Theo bà Đỗ Thị Phương Lan, Giám đốc Phụ trách tái cấu trúc cho Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland, nhiều doanh nghiệp cần được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24 - 36 tháng.
Trong giai đoạn doanh nghiệp gặp khủng hoảng, các ngân hàng thương mại rất lo ngại nguy cơ nợ xấu, nên đặt ra rất nhiều biện pháp phòng ngừa cho ngân hàng. Điều này cũng rất tự nhiên, bởi ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, phải bảo vệ lợi ích của chính doanh nghiệp mình.
Nhưng nếu doanh nghiệp bất động sản không được giãn nợ, tái cấu trúc nợ, khiến nợ xấu tăng mạnh, thì doanh nghiệp không thể “chạm” đến khoản vay mới để hoàn thiện các dự án dở dang, qua đó có cơ sở thanh toán nghĩa vụ nợ cũ. Khi đó, khối nợ xấu của các ngân hàng cũng ngày càng phình to. Điều này có thể khiến vòng xoáy nợ nần, đình trệ lặp đi lặp lại với quy mô ngày càng lớn.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhận xét, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng luôn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị mất niềm tin do một số doanh nghiệp có sai phạm, khiến hoạt động huy động vốn qua kênh trái phiếu gần như bế tắc. Mặt khác, nhiều trái phiếu doanh nghiệp đến hạn phải thanh toán, nên càng thêm áp lực. Hệ thống ngân hàng cần tài trợ vốn cho lĩnh vực bất động sản, nhất là với những dự án có triển vọng hoàn thành, có khả năng đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Ông Cường cho rằng, sản phẩm trong một số phân khúc của thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn khan hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo đó, những dự án nào có tính khả thi, nằm ở vị trí thuận lợi, có thể đưa vào sử dụng được ngay thì cần ưu tiên. Khi ngân hàng tài trợ vốn cho các dự án này cũng không lo rủi ro, thậm chí còn mang lại ý nghĩa rất lớn, bởi nhiều khi những dự án đó lại đang tồn đọng vốn của chính ngân hàng.
“Nếu để dở dang, không tiếp tục đầu tư, triển khai tiếp, thì có khi các ngân hàng cũng không xử lý được nguồn vốn còn đang tồn đọng. Vì thế, ngân hàng cần tính toán, tài trợ vốn cho các dự án có tính thanh khoản để họ sớm hoàn thành. Điều này rất cần, cũng rất có lợi cho cả phía doanh nghiệp và ngân hàng”, ông Cường nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright đề xuất giải pháp thỏa thuận 3 bên. Đó là, ngân hàng cho doanh nghiệp vay, doanh nghiệp dùng tiền vay ngân hàng để trả nợ trái phiếu, nhưng trái chủ nhận được tiền sẽ gửi lại ngân hàng dưới dạng tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
Trái chủ nhiều khả năng sẽ đồng ý, vì nếu không có giải pháp này thì doanh nghiệp cũng không trả nợ được, trong khi khoản gửi tiết kiệm có kỳ hạn an toàn hơn nhiều so với nắm giữ trái phiếu.
Với ngân hàng, điểm hấp dẫn là ngân hàng không còn áp lực phải huy động vốn và vẫn tuân thủ được tỷ lệ cho vay trên vốn lưu động. Tuy nhiên, cần một thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước là không cảnh báo hay hạn chế cho vay bất động sản và các ngân hàng sẽ phải tự đánh giá rủi ro trong hoạt động cho vay đó.
Trong dự thảo đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành cuối năm 2022, Bộ Tài chính đề xuất lùi thời gian áp dụng quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Cụ thể, quy định này sẽ thực hiện từ đầu năm 2024, thay vì từ đầu năm 2023. Đồng thời, giãn thời gian thực hiện 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến ngày 1/1/2024, riêng đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng vẫn thực hiện theo lộ trình là phải có xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1/1/2023.
Bên cạnh đó, hoãn thực hiện quy định về thời gian phân phối trái phiếu trong vòng 1 năm đến ngày 1/1/2024 (Nghị định 65 quy định thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành không vượt quá 30 ngày, quy định trước đó là 90 ngày).
Ngoài ra, cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư; cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.