Việc giảm 2% thuế VAT trong năm 2022 đã thúc đẩy tiêu dùng, tạo động lực cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp
Giảm thuế VAT, ai cũng hưởng lợi
Để hiện thực hóa Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cuối tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế.
Theo đó, kể từ ngày 1/2/2022 đến nay, thuế VAT đã được giảm từ 10% xuống còn 8% đối với hầu hết nhóm hàng hóa dịch vụ. Chính sách này ngay từ khi ban hành đã được dư luận đồng tình, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một quyết sách kịp thời nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Sau gần 1 năm thực hiện, chính sách này đã phát huy hiệu quả, không chỉ góp phần “ghìm cương” lạm phát, mà còn tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập, qua đó gia tăng tiêu dùng, tạo động lực cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Thậm chí, có thể nói, toàn bộ xã hội đã được hưởng lợi từ chính sách thiết thực này. Từ mỗi người dân, đến mỗi doanh nghiệp, và cả chính quyền đều thu được những lợi ích đáng kể.
Với mỗi người dân, trong 100 đồng tiêu dùng là ngay lập tức tiết kiệm được 2 đồng. Khi điều kiện kinh tế khó khăn hơn, thu nhập sụt giảm, thậm chí nhiều người mất việc làm, 2 đồng tiết kiệm này vô cùng đáng quý. Với nhiều người khác, cùng một số tiền này mua được nhiều sản phẩm hơn, nên tâm lý tiêu dùng ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn.
Với mỗi doanh nghiệp, giảm thuế cũng là giảm cả giá đầu vào và đầu ra. Giá đầu vào giảm giúp doanh nghiệp trực tiếp tiết giảm được chi phí, có thêm vốn để tái đầu tư, tăng khả năng mở rộng sản xuất. Giá đầu ra giảm tuy doanh nghiệp không được lợi trực tiếp nhưng lại thu lợi gián tiếp nhờ cơ hội gia tăng doanh số, đẩy mạnh quy mô kinh doanh.
Với chính quyền, giảm thuế VAT có thể là một sự hy sinh về mặt thu ngân sách, nhưng lợi ích đem lại không hề kém cạnh.
Một ví dụ có thể đưa ra. Đó là nếu như giảm thuế VAT làm giảm nguồn thu ngân sách khoảng 50.000 tỷ đồng, thì nhờ các tác động tích cực từ chính sách này và áp dụng thêm các biện pháp khác, thu ngân sách hiện đã dôi ra trên 270.000 tỷ đồng, vượt xa con số hụt thu do giảm thuế VAT.
Đặc biệt, nhờ chính sách này, giá cả hàng hóa dịch vụ của Việt Nam đã không tăng quá cao, qua đó góp phần “ghìm cương” lạm phát năm 2022 chỉ ở mức 3,15%, trong bối cảnh lạm phát tại nhiều nền kinh tế Âu, Mỹ và cả châu Á ở mức rất cao.
Chính sách giảm thuế VAT cũng góp phần ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đề xuất tiếp tục thực hiện trong năm 2023
Kinh tế 2022 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, những rủi ro, thách thức của kinh tế 2023 cũng đã được chỉ ra. Theo dự báo, cả kinh tế toàn cầu và Việt Nam sẽ giảm tốc so với năm 2022.
Nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm tới, người dân, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, cần tiếp tục duy trì các biện pháp hỗ trợ, trong đó bao gồm việc giảm thuế VAT 2%.
“Những gói hỗ trợ tài khóa trong hơn 2 năm qua đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Nhờ vậy, nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại, thu ngân sách nhà nước được cải thiện do các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đóng góp vào nguồn thu. Tình hình trước mắt vẫn còn nhiều thách thức, do đó những gói hỗ trợ nào đã phát huy hiệu quả tốt và vẫn còn cần thiết nên được nghiên cứu để tiếp tục triển khai hoặc chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình mới”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, chính sách tài chính, mà cụ thể là chính sách hỗ trợ thuế, phí được ban hành và thực thi một cách nhanh nhất, kịp thời nhất đã hỗ trợ tốt cho người dân và doanh nghiệp. Việc giảm 2% thuế VAT với những mặt hàng có thuế suất 10% đã làm giảm giá bán của hàng hoá trên thị trường, qua đó làm tăng sức chi tiêu, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất.
“Giảm thuế VAT cũng làm giảm giá hàng hoá, giảm áp lực lạm phát. Như vậy, chính sách này có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và giảm áp lực lạm phát”, ông Đinh Trọng Thịnh nói và đề xuất việc tiếp tục duy trì chính sách này.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có quan điểm tương tự. Theo ông Đậu Anh Tuấn, một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là giảm thuế VAT 2%. Lý do là vì, doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, lại đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn sắp tới.
Ở quy mô lớn hơn, Ban Nghiên cứu Phát triển linh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng đã có những nghiên cứu, tìm kiếm, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Ban này đã kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Chẳng hạn, chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…
Tiếp tục giảm thuế cũng có thể sẽ lại ảnh hưởng đến thu ngân sách. Tuy nhiên, đại diện của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Minh Tân cho biết, Bộ sẽ tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
Cụ thể, với thu ngân sách, sẽ rà soát lại các chính sách thuế để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm bớt ưu đãi, tránh lồng ghép các chính sách xã hội trong chính sách thuế. Với chi ngân sách nhà nước, tiếp tục cơ cấu, tập trung chi cho an sinh xã hội và chi cho con người cũng như tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các chính sách về tài chính - ngân sách nhà nước, tập trung cho đầu tư công, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Với các biện pháp này, có thể nói, không quá lo ngại về thu - chi ngân sách trong năm tới. Trong khi đó, giảm thuế VAT được coi là “liều thuốc” giúp người dân, doanh nghiệp tăng sức đề kháng, đồng thời hỗ trợ “ghìm cương” lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi kinh tế phục hồi, cơ hội để gia tăng nguồn thu là rất lớn.