Một đoạn Quốc lộ 14D qua Quảng Nam. Ảnh: Bình Minh.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi lãnh đạo Chính phủ báo cáo kết quả nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14D, tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, Quốc lộ 14D qua tỉnh Quảng Nam có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh tại Km1332+610, điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Nam Giang với chiều dài khoảng 74 km, nền đường rộng 6,5-10m, mặt đường láng nhựa và bê tông xi măng rộng 6- 9 m. Sở GTVT Quảng Nam tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 14D đạt tiêu chuẩn đường cấp III-IV, quy mô 2-4 làn xe.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp nhà đầu tư quan tâm (Công ty cổ phần tập đoàn Trường Hải - Thaco) tiến hành khảo sát, nghiên cứu phương án đầu tư.
Theo Báo cáo số 232/BC-UBND, UBND tỉnh Quảng Nam đã xúc tiến, mời gọi đầu tư theo hình thức đầu tư không hoàn lại nhưng không có doanh nghiệp quan tâm.
Đối với phương án đầu tư theo hình thức PPP/hợp đồng BOT, có 2 phương án được nghiên cứu nhưng đều có vướng mắc về pháp lý do đầu tư trên đường hiện hữu, sử dụng nguồn thu phí trực tiếp từ người sử dụng không phù hợp quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật PPP và Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đối với Phương án 1 vượt quá tỷ lệ quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật PPP.
Cụ thể, với phương án 1 - đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch; tổng mức đầu tư khoảng 2.640 tỷ đồng, trường hợp đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT với thời gian thu phí khoảng 20 năm thì phần vốn Nhà nước tham gia dự án cần thiết là 1.914 tỷ đồng, tương đương 72,5% tổng mức đầu tư.
Với phương án 2 - đầu tư nâng cấp, mở rộng các đoạn có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, một số đoạn xuống cấp; tổng mức đầu tư khoảng 730 tỷ đồng, trường hợp đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT với thời gian thu phí khoảng 20 năm thì phần vốn Nhà nước tham gia dự án cần thiết là 310 tỷ đồng, tương đương 42,5% tổng mức đầu tư.
Bộ GTVT cho rằng, dự án có khả năng hoàn vốn rất thấp, khả năng hấp dẫn nhà đầu tư không cao và có vướng mắc về pháp lý liên quan đến đầu tư trên đường hiện hữu, thu phí trực tiếp từ người sử dụng và tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án.
Trường hợp tiếp tục nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP/hợp đồng BOT, do phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt nên cần được Quốc hội chấp thuận chủ trương theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Luật PPP.
Trong điều kiện tuyến đường có bề rộng hẹp, tồn tại nhiều vị trí đường cong có bán kính nhỏ, xe đầu kéo lưu thông rất khó khăn, đặc biệt khi hai xe tránh nhau, kết hợp lưu lượng xe tải nặng lưu thông qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang về cảng Tiên Sa, cảng Chân Mây hiện đang gia tăng, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14D cần được triển khai sớm.
“Vì vậy, việc UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất dừng nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP và chuyển sang hình thức đầu tư công là có thể xem xét, chấp thuận”, Bộ GTVT nêu quan điểm.
Đối với kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về việc bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 730 tỷ đồng) và 2026 - 2030 (khoảng 2.000 tỷ đồng) để đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14D, Bộ GTVT cho biết hiện dự án này chưa có trong danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021.
Đồng thời, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp, ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, nguồn lực còn lại tập trung cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể cân đối để thực hiện thêm dự án mới.
Do vậy, Bộ GTVT kiến nghị ưu tiên đưa dự án này vào danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận để triển khai thực hiện.
Đối với kiến nghị bố trí khoảng 145 tỷ đồng thực hiện trong kế hoạch bảo trì năm 2024 để sửa chữa, mở rộng nền, mặt đường, Bộ GTVT cho biết là đã giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tổng hợp để đề xuất phương án bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ bền vững công trình phù hợp nguồn vốn được bố trí.
“Trong điều kiện nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ còn hạn hẹp, những năm vừa qua, Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 14D”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.