Theo Bộ GTVT, việc bổ quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Sơn La là cần thiết, làm cơ sở huy động nguồn lực để đầu tư tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Bắc.
“UBND tỉnh Hòa Bình, UBND tỉnh Sơn La chịu trách nhiệm thông báo về việc bổ sung quy hoạch tuyến đường đoạn qua địa phận các địa phương, có kế hoạch bố trí và quản lý quỹ đất cho tuyến đường”, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đề xuất.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng cho phép UBND tỉnh Sơn La là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan triển công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu theo hình thức đối tác công tư để đánh giá tính khả thi, huy động nguồn lực thực hiện đầu tư dự án.
Được biết, tuyến cao tốc Hòa Bình – Sơn La có điểm đầu kết nối với dự án cầu Hòa Bình 4, thuộc địa phận xã Trung Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Điểm cuối tuyến cao tốc kết nối với đường Lê Đức Thọ, xã Chiềng Sinh, thành phố Sơn La.
Phạm vi nêu trên sẽ kết nối thành phố Sơn La với thành phố Hòa Bình, kết nối 2 khu du lịch quốc gia trong khu vực, tạo nên trục dọc đường bộ cao tốc chất lượng cao kết nối trực tiếp vùng Tây Bắc với thủ đô Hà Nội.
Theo Bộ GTVT, tổng chiều dài tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La khoảng 189,5km, rút ngắn khoảng 40km so với QL.6 đoạn Hòa Bình - Sơn La, nếu thiết kế với tốc độ 80-100km/h thì thời gian di chuyển từ Sơn La về Hà Nội chỉ khoảng 2,5 giờ.
Do chiều dài và kinh phí đầu tư tuyến đường lớn, Bộ GTVT cho rằng, cần thiết phân đoạn đầu tư theo giai đoạn để phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, trong đó giai đoạn trước năm 2020 xem xét ưu tiên đầu tư đoạn Hòa Bình – Mộc Châu để đáp ứng nhu cầu vận tải, nguồn lực (đoạn tuyến này hiện đã được các Nhà đầu tư nghiên cứu và có đề xuất đầu tư xây dựng), cụ thể: đoạn Hòa Bình – Mộc Châu: Triển khai đầu tư trước năm 2020; đoạn Mộc Châu – Sơn La: Triển khai đầu tư sau năm 2020.
Theo khái toán tổng vốn đầu tư được Tư vấn TEDI tính toán trên cơ sở suất đầu tư có xét đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên khu vực, quy mô công trình các đoạn tuyến; tổng mức đầu tư dự kiến của Dự án cao tốc Hòa Bình – Sơn La khoảng 50.270 tỷ đồng trong đó, đoạn Hòa Bình – Mộc Châu khoảng 25.000 tỷ đồng; đoạn Mộc Châu – Sơn La khoảng 25.270 tỷ đồng.
Tây Bắc là một trong ba vùng trọng điểm quốc phòng – an ninh được Bộ Chính trị thành lập Ban chỉ đạo để tập hợp sức mạnh, nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh, nâng cao đời sống nhân dân khu vực, trong đó yêu cầu tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cần đi trước một bước.
Hiện nay, QL.6 là tuyến đường bộ độc đạo kết nối từ thủ đô Hà Nội đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có yếu tố hình học hạn chế, tốc độ lưu thông thấp, hàng năm bị ảnh hưởng của hiện tượng sạt lở ở những vị trí đèo núi hiểm trở gây mất an toàn và ách tắc giao thông.
Khi tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La được hình thành sẽ kết nối mạng giao thông đối ngoại của tỉnh Sơn La với tỉnh Hòa Bình và với Thủ đô Hà Nội (qua cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình) tạo nên tuyến trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối đến cửa khẩu biên giới Đông Bắc và cảng biển quốc tế Lạch Huyện; giảm tải cho tuyến QL.6 đoạn Hòa Bình - Sơn La.
Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương thuộc 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đặc biệt sẽ kết nối 02 Khu du lịch Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể, gồm: Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, diện tích 1200ha, năm 2020 dự kiến đón khoảng 630.000 khách (Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ); Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, diện tích 206.150 ha, năm 2020 dự kiến đón khoảng 1,2 triệu khách (Quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ), khuyến khích đầu tư, phát huy được tiềm năng lợi thế về du lịch của các địa phương (tương tự tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai); đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng.