Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) phát biểu.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) phát biểu.

Đề xuất đưa tài xế xe công nghệ vào nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay, việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng nhanh về số lượng.

Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (Dự thảo), quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) đề xuất đưa đối tượng tài xế xe công nghệ vào nhóm bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hiện nay, nền kinh tế , việc làm tự do (Gig economy) đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng nhanh về số lượng. Đây còn là giải pháp việc làm tạm thời, linh động đối với lực lượng lao động chính thức trước những biến động của nền kinh tế đang làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, bà Thúy phân tích.

Vị đại biểu TP.HCM lập luận, căn cứ quy định của Bộ luật Lao động 2019, từ định nghĩa về “người lao động” tại Điều 3 đến “hợp đồng lao động” tại Điều 13, thì nhóm đối tượng này về bản chất là có tồn tại quan hệ lao động. Bởi lẽ tài xế xe công nghệ có thỏa thuận làm việc cho doanh nghiệp vận tải xe công nghệ; có trả lương (mặc dù 2 bên lựa chọn hình thức thanh toán tiền lương căn cứ vào kết quả công việc); và có sự điều hành giám sát (thông qua app do doanh nghiệp vận tải quản lý).

Các đối tượng này cần được hưởng chính sách hỗ trợ tạo việc làm và bổ sung vào nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm ứng phó với rủi ro. Vì vậy, đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, xem xét bổ sung các đối tượng này vào nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc để có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho họ, bà Thúy phát biểu.

Cũng quan tâm đến quy định mới mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) còn băn khoăn. Vì, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có những sửa đổi căn bản để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc so với Luật năm 2006, trong đó các nhóm bổ sung, có nhóm người lao động có hợp đồng lao động theo mùa vụ có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này tiếp tục có những quy định để mở rộng đối tượng tham gia theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương số 28 Khóa XII và phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó có nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tuy nhiên, bà Hiền cho rằng, quá trình triển khai trên thực tế cần có những điều chỉnh và có thể cân nhắc để bảo đảm hơn tính khả thi khi quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu tại hội trường.

Vì, đối với nhiều dự án , công trình cụ thể ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi nơi ít có nhà máy, công ty, ít có điều kiện để có thể có người lao động làm việc dài hạn, khi triển khai người sử dụng lao động phải huy động lao động nông nhàn theo mùa vụ và theo quy định phải đóng bảo hiểm xã hội cho họ. Mặc khác, việc tham gia cũng trên cơ sở mức lương không cao do chủ yếu làm các công việc giản đơn, lao động chân tay.

“Từ 3 đến 6 tháng khi dự án, công trình kết thúc thì người lao động lại quay trở về với công việc đồng áng thường ngày và gần như rất ít có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia thị trường lao động để có thể đóng bảo hiểm xã hội, kể cả là tham gia tự nguyện. Do đó, theo tôi, Ban soạn thảo cần cân nhắc để có thể phân loại và quy định thêm một số điều kiện để cho phép trong một số trường hợp cụ thể nên trao quyền để người lao động được lựa chọn việc nhận tiền công bao gồm cả phần bảo hiểm xã hội để thu nhập được tốt hơn thay vì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc", bà Hiền nói.

Liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện, vị đại biểu Hà Nam đề nghị Ban soạn thảo cần tính toán giải pháp để cụ thể hóa những định hướng “ mở rộng độ bao phủ” và “nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với người lao động trong khu vực phi chính thức”.

Hiện nay đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ có 2 chính sách hưu trí và tử tuất, hiện dự thảo luật đề nghị bổ sung chính sách thai sản (là 2 triệu đồng), bà Hiền cho biết và so sánh sự khác biệt với chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đó là điều 65 nêu về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì chưa có quyền lợi này. Hay, về trợ cấp mai táng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ cần thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên, trong khi trợ cấp mai táng đối với người tham gia tự nguyện phải có thời gian đóng từ đủ 60 tháng trở lên.

Dự thảo Luật cần quan tâm đến bảo hiểm xã hội tự nguyện đa tầng, cần cân đối phù hợp các chính sách giữa các hình thức giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, có gói dịch vụ phù hợp để khuyến khích người dân chủ động hơn tham gia bảo hiểm xã hội, bà Hiền góp ý.

Tin bài liên quan