Vừa qua, hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương; các nhà tài trợ lớn; các chuyên gia đầu ngành đã dành trọn 1 ngày để nghe liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDISOUTH và nhóm nghiên cứu của JICA công bố Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam (Báo cáo giữa kỳ).
Theo đề xuất của tư vấn, Dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao khai thác riêng tàu khách với chiều dài 1.545 km, hướng tuyến tiếp cận các khu vực trung tâm đô thị.
Dự kiến có 23 ga và 5 khu Depot. Hiện nay, qua 22 tỉnh, thành phố, kết nối bằng 23 ga, 5 khu depot, 42 trạm bảo dưỡng. Công nghệ được lựa chọn là đoàn tàu động lực phân tán (EMU), tốc độ khai thác thời kỳ đầu 160 km/h - 200 km/h, hạ tầng đáp ứng tốc độ thiết kế 350 km/h trong tương lai.
Tổng mức đầu tư Dự án ước khoảng 58,7 tỷ USD. Tư vấn khuyến nghị xây dựng thí điểm đoạn Thủ Thiêm - Long Thành để khai thác trước năm 2029, trước khi hoàn thành việc xây dựng 2 đoạn ưu tiên là Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM vào năm 2032.
Liên quan đến phương án huy động vốn phục vụ Dự án, đơn vị tư vấn đề xuất huy động từ vốn trong nước; vốn vay ODA; vốn của doanh nghiệp, tư nhân (PPP); vốn thu từ quỹ đất. Đồng thời nghiên cứu các cơ chế tài chính theo hướng: (1) Đối với kết cấu hạ tầng: Nhà nước cấp phát; (2) Đối với công trình nhà ga:
Nguồn ngân sách nhà nước cấp phát kết hợp với xã hội hóa thông qua khai thác quỹ đất và dịch vụ tại các ga đô thị lớn; (3) Đối với phương tiện, đầu máy toa xe: xã hội hóa đầu tư hoặc doanh nghiệp vay lại; nội dung này sẽ tiếp tục được làm rõ trong dự thảo báo cáo nghiên cứu cuối kỳ.
Đối với phương án chạy tàu, các nghiên cứu trước đây đều đề xuất phương án đường sắt tốc độ cao chỉ phục vụ tàu khách; tuyến đường sắt hiện có trong tương lai khi có đường sắt tốc độ cao sẽ được khai thác phục vụ tàu khách địa phương và tàu hàng.
Đồng thời, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc đi chung giữa tàu khách và tàu hàng sẽ không khả thi về kinh tế do chi phí tổng thể của dự án sẽ cao; đòi hỏi trang thiết bị chất tải, dỡ tải và kho chứa hàng hóa, quy mô ga lớn… điều đó làm cho chi phí xây dựng tăng cao; giảm năng lực thông hành khoảng 25%.
Tuyến đường sắt hiện có trong tương lai khi có đường sắt tốc độ cao sẽ được khai thác phục vụ tàu khách địa phương và tàu hàng.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của JICA, mặc dù trên thế giới đã có một số trường hợp khai thác hỗn hợp cả tàu khách lẫn tàu hàng tốc độ trung bình 160km/h, tuy nhiên, những nước này phải áp dụng hàng loạt các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn.
Với khoảng cách chiều dài trên 1.500km như Việt Nam, nếu giảm tốc độ vận hành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh với các phương thức vận tải khác.
Hiện nay, Bộ GTVT đang yêu cầu tư vấn tiếp tục nghiên cứu làm rõ nội dung này trong quá trình hoàn thiện báo cáo NCKT dự án, kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy đường sắt tốc độ cao sẽ chỉ khai thác tàu khách (dự kiến nội dung này sẽ hoàn thiện vào cuối tháng 7/2018). Riêng đoạn từ ga Hà Nội tới Ngọc Hồi đang nghiên cứu chạy chung với đường sắt đô thị.
Được biết, vào năm 2013, JICA đã hỗ trợ Dự án hỗ trợ kỹ thuật để tập trung nghiên cứu đối với 2 đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và đoạn TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang với quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế tối đa 350km/h.
Suất đầu tư bình quân theo nghiên cứu của JICA năm 2013 khoảng 31 triệu USD/km([1]). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này đã cập nhật trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển GTVT đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Như vậy, nhìn chung các nghiên cứu trước đây đều định hướng phát triển tuyến đường sắt mới, tốc độ cao (tập trung chủ yếu vận tải hành khách và ưu tiên thực hiện trước đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn.
Riêng nghiên cứu năm 2013 của JICA có đề xuất thực hiện trước đoạn thử nghiệm Hà Nội - Phủ Lý hoặc Thủ Thiêm - Long Thành), suất đầu tư khoảng từ 31 đến 38 triệu USD/km. So sánh suất đầu tư trên cho thấy thuộc loại trung bình của suất đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới (Bắc Kinh - Thượng Hải là 24,3 triệu USD/km; Đức 47,2 triệu USD/km; hàn Quốc 52,9 triệu USD/km; Pháp 22,2 triệu USD/km)
Trước đó, vào tháng 7/2018, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến lộ trình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao. Theo đó, hoàn thiện báo cáo NCTKT Dự án: Tháng 11/2018; Tổ chức thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước (bao gồm cả thuê tư vấn thẩm tra), 05 tháng: Tháng 12/2018 - 4/2019; Báo cáo các cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị), 02-03 tháng: Tháng 5/2019 - 7/2019; Hoàn thiện báo cáo NCTKT Dự án để trình Chính phủ: Tháng 8/2019; Chính phủ trình Quốc hội: Tháng 8/2019; Thông qua Quốc hội: Tháng 10/2019.
Trường hợp được Quốc hội thông qua sẽ triển khai chuẩn bị nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, GPMB từ 2020 - 2025. Triển khai xây dựng từ 2026, dự kiến đưa vào khai thác đoạn ưu tiên (bao gồm cả đoạn thử nghiệm) năm 2032; tiếp tục triển khai xây dựng các đoạn còn lại từ 2035, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050.